Vượt đoạn đường hơn 140km, chúng tôi đến xã Vũ Hòa - huyện miền núi Đức Linh (Bình Thuận). Nhìn những cơ sở sản xuất gạch ngói, những hàng cây cao su chạy dài tít tắp trên suốt đường đi, mới cảm nhận được cuộc sống đổi thay của người dân xã Vũ Hòa.

Anh Trần Đình Thi - Chủ tịch UBND xã Vũ Hòa cho biết: Nhớ lại những ngày đầu mới thành lập xã Vũ Hòa, nơi đây được xem là một vùng kinh tế mới, chỉ rừng với núi, cơ sở hạ tầng chưa có, cuộc sống bà con vất vả trăm bề. Nhưng giờ đây, nền kinh tế của xã phát triển khá nhanh với tốc độ tăng trưởng kinh tế từ 14-16%, tương đương với các xã có nền kinh tế vững chắc trong huyện. Chỉ tính riêng năm 2008, tổng sản phẩm nông nghiệp của xã đạt trên 35 tỷ đồng, tiểu thủ công nghiệp đạt 17 tỷ đồng, dịch vụ 12 tỷ đồng... Anh Thi phấn khởi: "Đó là nhờ xã Vũ Hòa đã xác định được hướng đi đúng cho mình. Với phương châm "nông nghiệp là chính, công nghiệp là mũi nhọn", xã không ngừng khuyến khích, vận động nông dân phát triển mạnh cây lúa nước, cây điều, cây cao su...

Hiện nay, diện tích gieo trồng cây hàng năm của xã gần 1.000 ha, trong đó cây lúa chiếm 850 ha, tổng sản lượng lương thực đạt 4.600 tấn, GDP đạt 6 triệu/người/năm. Đặc biệt, với nguồn đất sét thiên nhiên sẵn có, xã đã đầu tư xây dựng một làng nghề tiểu thủ công nghiệp - gạch ngói Vũ Hòa. Hiện toàn xã có 62 cơ sở sản xuất gạch ngói, tạo việc làm cho hơn 1.000 lao động tại địa phương với mức thu nhập từ 800 ngàn – 3 triệu đồng/tháng. Năm vừa qua, làng nghề gạch ngói Vũ Hòa đã chiếm 2/3 nguồn thu ngân sách của xã.

Về cây công nghiệp, cây cao su được xem là cây mũi nhọn của xã. Đến thời điểm này, đã có hơn 600 ha cao su đi vào khai thác. Anh Thi cho hay: Đợt khai thác vừa qua, những hộ có diện tích trồng cao su đều trúng đậm, mỗi ngày có thể thu ít nhất vài triệu đồng, cao nhất hàng trăm triệu đồng. Hiện tại, quỹ đất của xã còn khoảng 800 ha để phát triển cây cao su.
Nói về dự định của xã, anh Thi cho biết: sẽ chuyển dịch kinh tế theo hướng công nghiệp hóa. Trước mắt, xã Vũ Hòa phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng nâng cao năng suất, hiệu quả gắn với yêu cầu thị trường như: chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng chuyên canh, thâm canh trên cơ sở áp dụng tiến bộ khoa học và kỹ thuật mới để phát triển mạnh các loại cây trồng có lợi thế, giá trị cao trên đơn vị diện tích canh tác; điển hình như mô hình trồng sen trên các khu vực bùn sình kết hợp với nuôi cá... Đối với tiểu thủ công nghiệp - dịch vụ: phát triển mạnh các sản phẩm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp; khai thác lợi thế tối đa về nguồn nguyên liệu và lao động tại chỗ; phát triển các ngành nghề như chế biến nông sản, sản xuất vật liệu xây dựng, mở rộng và phát triển làng nghề gạch ngói....

Bộ mặt Vũ Hòa đang đổi thay từng ngày. Cuộc sống người dân trở nên sung túc, đầy đủ hơn. Vùng đất vốn khô cằn này đang vững bước trên con đường công nghiệp hóa./.

Nguyễn Thanh