Theo Bộ Công Thương, trong 10 tháng đầu năm kim ngạch xuất khẩu đạt 46,3 tỷ USD, giảm 13,8% so với cùng kỳ. Với tốc độ xuất khẩu như thời gian qua thì xuất khẩu cả năm khả năng không đạt kế hoạch và thấp hơn so với năm 2008.

Theo thông tin từ nhiều ngành hàng, hoạt động xuất khẩu hai tháng cuối năm sẽ lạc quan hơn nếu có thể khai thác tối đa các lợi thế từ thị trường, nguồn hàng. 10 tháng đầu năm 2009 kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 3,488 tỷ USD, giảm 8,7% so với cùng kỳ. Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP) cho biết: xuất khẩu thủy sản tuy có sụt giảm, nhưng 2 tháng cuối năm đang có những tín hiệu khả quan hơn, do nhu cầu tiêu thụ tại các thị trường xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam tăng trở lại. Mặt khác, nhiều rào cản thương mại và kỹ thuật của các nước EU đối với thủy sản Việt Nam đang được dỡ bỏ dần. Hiệp định đối tác kinh tế Việt Nam- Nhật Bản đã chính thức có hiệu lực từ ngày 1/10/2009, trong đó, 86% nhóm hàng nông, lâm, thủy sản của Việt Nam vào thị trường Nhật Bản được ưu đãi về thuế (thuế xuất nhập khẩu các mặt hàng từ tôm còn 1 đến 2%).

Theo VASEP, để khai thác tốt các thị trường, yêu cầu đầu tiên là phải có đủ nguyên liệu để chế biến. Cả nước có khoảng 700 nhà máy chế biến thủy sản quy mô công nghiệp nhưng hiện nguyên liệu chỉ đáp ứng được 50% nhu cầu. Để có thể nâng cao kim ngạch xuất khẩu thủy sản giai đoạn cuối năm, Chính phủ nên xem xét giảm thuế nhập khẩu nguyên liệu thủy sản xuống 0%.

Theo Bộ Công Thương, trong 2 tháng cuối năm, nếu có thể khai thác tốt các thị trường giàu tiềm năng như Hàn Quốc, Nga Nhật Bản và Trung Đông thì trong quý 4 mặt hàng thủy sản có thể đạt 1,75 tỷ USD, nâng kim ngạch cả năm 2009 lên 4,4 tỷ USD (năm 2008 là 4,5 tỷ USD).

Tính đến hết tháng 10/2009, kim ngạch xuất khẩu toàn ngành dệt may đạt 7,47 tỷ USD, dự kiến cả năm sẽ đạt 9,17 tỷ USD, chỉ tăng xấp xỉ 1% so với 2008. Ông Lê Quốc Ân- Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam- nhận định: Để đảm bảo chỉ tiêu tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu, cần hỗ trợ doanh nghiệp trong việc mở một số thị trường thông qua các hợp tác thương mại được ký kết, như thị trường Chile, Nga. Bên cạnh đó, hỗ trợ xúc tiến thương mại cho các doanh nghiệp, triển khai đề án tư vấn thị trường Hoa Kỳ nhằm giúp doanh nghiệp tránh được các rào cản kỹ thuật.

Xuất khẩu cao su đang “chạy” nước rút và sẽ “nóng” vào những tháng cuối năm do giá cao su tăng mạnh. Ông Lê Quang Thung- Tổng giám đốc Tập đoàn công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG)- cho biết: Các thị trường xuất khẩu cao su chính của Việt Nam hiện đang có nhu cầu cao. Trong đó Trung Quốc là thị trường lớn, có tiềm năng nhất. Việc Mỹ tăng thuế nhập khẩu vỏ xe hơi và vỏ xe tải hạng nhẹ của Trung Quốc từ 4% lên 35% vào cuối tháng 9 vừa qua sẽ có những ảnh hưởng đến xuất khẩu cao su của Việt Nam. Tuy nhiên, do nhu cầu thu mua dự trữ của nước này đang không ngừng tăng lên nên các doanh nghiệp cần tận dụng thời điểm này để tìm kiếm khách hàng tiêu thụ lớn. Theo VRG, từ tháng 5/2009 trở lại đây giá cao su xuất khẩu liên tục tăng, hiện ở mức trên 2.000 USD/tấn. Đây là mức giá cao nhất từ đầu năm tới nay. Với sản lượng cao su tập trung chủ yếu vào những tháng cuối năm, cộng thêm giá tăng nên nhiều khả năng Việt Nam sẽ thu được trên 1,1 tỷ USD từ xuất khẩu 700.000 tấn cao su trong năm nay.

Cuối năm cũng là vụ xuất khẩu lớn của ngành gỗ. Theo dự báo, ngành gỗ sẽ rất khó khăn trong việc đẩy mạnh xuất khẩu trong hai tháng cuối năm để đạt được kim ngạch 2,8 tỷ USD (bằng năm 2008). Tuy nhiên, dấu hiệu phục hồi của nền kinh tế các nước như Mỹ, Nhật và các nước châu Âu đang là những tín hiệu tích cực từ các thị trường chính giúp ngành gỗ Việt Nam có những bước tăng trưởng khá tốt. Kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ liên tục tăng lên kể từ tháng 5 tới nay, và hiện tại các doanh nghiệp ngành gỗ đang có khá nhiều đơn hàng xuất khẩu cho những tháng cuối năm, cho thấy, ngành gỗ Việt Nam đang dần dần phục hồi. Dự báo giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam năm 2009 sẽ giảm hơn so với mức trung bình của năm 2008 khoảng 11,94%. Nhưng với nhu cầu tiêu thụ gỗ từ các thị trường chính đang dần khôi phục kết hợp với việc ngành gỗ đã bước vào mùa xuất khẩu chính nên khả năng đạt chỉ tiêu xuất khẩu cả năm của ngành gỗ là khá lớn

Ngành Công Thương cũng đang tập trung tháo gỡ khó khăn, đặc biệt là những vướng mắc về thủ tục hành chính liên quan đến xuất nhập khẩu, hải quan, thuế, cảng…nhằm đẩy mạnh kim ngạch xuất khẩu 2 tháng cuối năm, bù vào chỉ tiêu đang bị hụt ( -13,8%).

Theo Thứ trưởng Bùi Xuân Khu, các doanh nghiệp cần tận dụng tối đa các ưu đãi về thuế trong khu vực mậu dịch tự do, phối hợp chặt chẽ với các vụ chức năng của Bộ Công Thương để cập nhật kịp thời thông tin đầy đủ về ưu đãi thuế của các nước để thực thi.
 

Theo: Báo CT