Dưới sự hỗ trợ tích cực của hoạt động khuyến công, các nghề, làng nghề tiểu thủ công nghiệp của An Giang đã có sự chuyển biến tích cực, góp phần quan trọng vào sự phát triển của ngành công nghiệp nông thôn tỉnh.

Theo số liệu thống kê của Sở Công Thương An Giang, hiện nay trên địa bàn tỉnh có 29 làng nghề và 49 nghề tiểu thủ công nghiệp (TTCN), với trên 11.000 hộ tham gia và thu hút hơn 30.000 lao động. Các nghề, làng nghề TTCN đã có những đóng góp tích cực vào sự phát triển của ngành công nghiệp nông thôn (CNNT) tỉnh. Sáu tháng đầu năm giá trị sản xuất của khu vực làng nghề đạt hơn 300 tỷ đồng, riêng kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm TTCN đạt trên 4,7 triệu USD. Tuy nhiên, theo đánh giá của lãnh đạo Sở Công Thương An Giang, không phải làng nghề nào trên địa bàn tỉnh cũng phát triển được trong sự cạnh tranh gay gắt như hiện nay, thêm vào đó là sự bó hẹp về thị trường, lạc hậu về mẫu mã sản phẩm, sự thay đổi của nhu cầu …khiến nhiều làng nghề đang đứng trước nguy cơ bị mai một như: làng nghề tơ lụa Tân Châu, làng nghề sản xuất bánh tráng Mỹ Khánh…


Để hỗ trợ cho các nghề, làng nghề TTCN phát triển, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp của tỉnh đang tích cực triển khai chương trình “Bảo tồn và phát triển các làng nghề TTCN”. Theo đó, Chương trình sẽ hỗ trợ vốn cho đầu tư đổi mới trang thiết bị sản xuất, thực hiện các giải pháp nâng cao sức cạnh tranh cho sản phẩm của làng nghề. Cụ thể, hỗ trợ 50% lãi suất tiền vay cho đầu tư mở rộng sản xuất, thời gian hỗ trợ dài hạn không quá 3 năm, hỗ trợ 100 triệu đồng/mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; hỗ trợ lập dự án sản xuất CN-TTCN có nhu cầu vay vốn tiếp cận với các ngân hàng thương mại; tạo điều kiện để làng nghề tiếp cận các nguồn vốn, tín dụng; tích cực vận động doanh nghiệp cơ cấu lại sản xuất nhằm nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm.


Bên cạnh đó, để tăng cường hỗ trợ cho các nghề, làng nghề TTCN, mới đây UBND tỉnh An Giang đã phê duyệt chính sách hỗ trợ làng nghề thông qua các hoạt động về đào tạo nghề cho lao động nông thôn; hỗ trợ đổi mới công nghệ, quảng bá sản phẩm, tham gia triển lãm; hỗ trợ cơ sở vật chất ban đầu cho các cụm, điểm công nghiệp làng nghề…Trong đó, tỉnh đặc biệt khuyến khích phát triển các nghề, làng nghề, doanh nghiệp làng nghề sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực: chế biến nông-lâm-thủy sản, sản phẩm thay thế hàng nhập khẩu, ngành nghề truyền thống của dân tộc Khmer, Chăm; hàng thủ công mỹ nghệ; dịch vụ tiêu thụ sản phẩm làng nghề… Đồng thời hỗ trợ đào tạo nghề, nâng cao tay nghề, tổ chức truyền nghề, cấy nghề và đào tạo thợ giỏi cho các làng nghề TTCN, hỗ trợ xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu, tạo điều kiện cho làng nghề tiếp cận được các thông tin về công nghệ, khoa học kỹ thuật, thị trường để xây dựng các chiến lược xuất khẩu hàng hóa...


Đánh giá về vai trò của hoạt động khuyến công đối với sự phát triển của các nghề, làng nghề TTCN trên địa bàn tỉnh, bà Bùi Thị Dung, Giám đốc Trung tâm Khuyến công tỉnh An Giang cho rằng: Chủ trương của UBND tỉnh đã xác định nghề và các làng nghề TTCN là những đối tượng cần đặc biệt hỗ trợ, nhất là trong giai đoạn 2010-2020, do đó hoạt động khuyến công đã tập trung hỗ trợ ở mức cao nhất cho các nghề, làng nghề TTCN phát triển. Hoạt động khuyến công không chỉ tập trung hỗ trợ cho các doanh nghiệp, làng nghề đổi mới công nghệ sản xuất, xây dựng đội ngũ lao động lành nghề mà còn trực tiếp tạo việc làm, thu nhập ổn định cho người lao động qua đó tạo được sự cân bằng giữa phát triển kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội. Trong giai đoạn 2011-2015, Trung tâm sẽ cố gắng phấn đấu xây dựng thêm từ 6-8 làng nghề mới, tạo thêm việc làm cho khoảng 5.000 lao động và hướng các làng nghề sang sản xuất hàng xuất khẩu, để tăng giá trị cho sản phẩm của làng nghề./.

 


Việt Nga