Tỉnh Quảng Bình có trên 6.000 ha trồng sắn, sản lượng hàng năm đạt khoảng 120.000 tấn củ sắn. Đây là nguồn nguyên liệu lớn để cung cấp cho các nhà máy chế biến tinh bột.

Hiện nay, tỉnh Quảng Bình có 2 nhà máy chế biến tinh bột sắn, trong đó Nhà máy Tinh bột Long Giang của Công ty Cổ phần Tư vấn và Đầu tư Long Giang Thịnh (Công ty), hàng năm góp phần tiêu thụ khoảng 40.000 tấn củ sắn của bà con nông dân trong Tỉnh.

Để phát triển sản xuất theo hướng chế biến sâu nhằm nâng cao chất lượng và giá trị của sản phẩm, đáp ứng yêu cầu của thị trường tiêu thụ và qua khảo sát nghiên cứu, nhận thấy các sản phẩm tinh bột biến tính được sản xuất từ tinh bột sắn phục vụ cho chế biến thực phẩm cũng như các ngành công nghiệp khác, có giá trị cao hơn nhiều so với sản phẩm tinh bột sắn ban đầu, Công ty đã lập Dự án đầu tư “Xưởng sản xuất tinh bột biến tính từ tinh bột sắn” nhằm nâng cao giá trị và phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm, với công suất chế biến 5.000 tấn sản phẩm tinh bột biến tính/năm, nhằm phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu sang các thị trường nước ngoài, như: Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản.

Nắm bắt được Dự án đầu tư của Công ty Cổ phần Tư vấn và Đầu tư Long Giang Thịnh, đồng thời qua khảo sát, kiểm tra, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại Quảng Bình đã phối hợp với Công ty xây dựng đề án “Xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất tinh bột biến tính từ tinh bột sắn”.

Dự án đầu tư với dây chuyền thiết bị mới, hiện đại, tận dụng được tối đa nguyên liệu đầu vào, với công nghệ chiết tách ly tâm 4 cấp. Bên cạnh đó còn áp dụng hệ thống thiết bị Separator tách mủ 4 cấp nhằm loại bỏ tạp chất cặn mịn và dịch mủ kèm theo những thành phần không mong muốn, nhằm làm cho dung dịch sữa bột có độ tinh khiết cao hơn đồng thời ổn định độ đặc trước khi đưa vào xử lý biến tính. Dung dịch sữa bột tiếp tục được hệ thống máy hydrocyclon bằng máy bơm li tâm vào hệ thống thiết bị phản ứng biến tính. Quá trình biến tính tinh bột sẽ bẻ gãy mạch liên kết giữa các phân tử tinh bột, tạo ra các mạch liên kết ngắn hơn làm cho tính chất của tinh bột thay đổi, tạo ra sản phẩm mới phù hợp với yêu cầu sử dụng cụ thể. Tiếp tục thực hiện quy trình ly tâm tách nước, tạo hạt, sấy khô làm nguội đến đóng gói đều được xử lý trên dây chuyền hiện đại.

Theo Quyết định số 4768/QĐ-BCT ngày 22/12/2017 của Bộ trưởng Bộ Công Thương, đề án “Xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất tinh bột biến tính từ tinh bột sắn” của Công ty cổ phần Tư vấn và Đầu tư Long Giang Thịnh được hỗ trợ 500 triệu đồng từ nguồn kinh phí khuyến công quốc gia năm 2018. Ngay khi được giao kế hoạch, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại Quảng Bình thường xuyên bám sát tiến độ đầu tư của Công ty tại Nhà máy Tinh bột Long Giang. Dự kiến đến đầu tháng 10/2018 sẽ hoàn thành công tác đầu tư, đưa dây chuyền máy móc thiết bị vào sản xuất thử để tiến hành nghiệm thu đề án trong tháng 11/2018.


Với việc phối hợp xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất tinh bột biến tính từ tinh bột sắn tại Công ty cổ phần Tư vấn và Đầu tư Long Giang Thịnh, ở huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình,  không những hỗ trợ cho cơ sở công nghiệp nông thôn tích cực hơn trong việc đầu tư mở rộng sản xuất, đưa ra thị trường sản phẩm mới chất lượng, mà còn góp phần tiêu thụ nguyên liệu tại địa phương, nhân rộng mô hình trên địa bàn và các địa phương lân cận.


TBT