Bằng nguồn kinh phí khuyến công hỗ trợ, An Giang đang đẩy nhanh chương trình hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp để đưa các sản phẩm đặc trưng của tỉnh sang nhiều địa phương khác.

 

Ngoài miền Tây, hàng hóa của An Giang cũng đã có được chỗ đứng vững chắc tại nhiều thị trường đầy tiềm năng như Hà Nội, miền Trung, Tây Nguyên và một số nước lân cận. Việc hỗ trợ cho các doanh nghiệp và cơ sở doanh nghiệp tham gia các kỳ hội chợ góp phần rất lớn trong việc quảng bá và đẩy mạnh hoạt động giao thương hàng hóa có thế mạnh của địa phương.


An Giang có tất cả 35 làng nghề đang hoạt động với nhiều lĩnh vực như: Đồ gỗ mỹ nghệ, đan đát, sản xuất tơ lụa, dệt thổ cẩm, gốm, đóng xuồng ghe… Đây là những làng nghề nổi tiếng gần xa từ hàng trăm năm qua. Sản phẩm làng nghề cung ứng ra thị trường hằng năm tương đối lớn. Tuy nhiên trước đây, hàng hóa sản xuất ra chỉ đáp ứng nhu cầu của người dân địa phương và một số tỉnh thành lân cận do ít có điều kiện giao thương với các vùng miền khác nên điều kiện vươn xa cũng rất hạn chế. Với nhu cầu ngày càng phát triển, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp An Giang đã và đang tập trung đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại đến nhiều vùng miền trên cả nước và một số quốc gia trong khu vực để giúp các doanh nghiệp, cơ sở làng nghề mở rộng thị trường.


Theo ông Thái Quốc Phong, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp An Giang thì những năm trở lại đây, Trung tâm thường xuyên tổ chức cho các cơ sở, doanh nghiệp tham gia các kỳ hội chợ. Qua các kỳ hội chợ, doanh nghiệp đặc biệt là các cơ sở làng nghề sẽ nắm bắt được thị trường. Qua đó đẩy mạnh sản xuất của các đơn vị. Đồng thời Trung tâm còn hỗ trợ 100% chi phí thuê gian hàng tại các kỳ Hội chợ để doanh nghiệp quảng bá sản phẩm.


Bên cạnh việc tăng cường xúc tiến thương mại để giúp doanh nghiệp mở rộng thị trường thì việc đầu tư công nghệ tiên tiến để gia tăng sản lượng và chất lượng sản phẩm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường là điều quan trọng không kém. Đây là yếu tố sống còn của nhiều doanh nghiệp hiện nay. Tuy nhiên vấn đề về vốn là điều khó khăn nhất đối với hầu hết các doanh nghiệp và cơ sở làng nghề, vì thế rất cần có những chính sách hỗ trợ thiết thực từ các ngành chức năng. Thời gian qua, một số mặt hàng đặc thù về thực phẩm của An Giang như đường thốt nốt, bánh hạnh nhân, khô cá lóc, khô bò, mắm... vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng. Các sản phẩm này đa phần được sản xuất theo phương thức truyền thống, thời gian bảo quản ngắn nên khó được tiêu thụ một cách rộng khắp. Việc chuyển đổi phương thức sản xuất sẽ khắc phục được những nhược điểm trên.


Theo Ông Đoàn Minh Triết, Phó giám đốc Sở Công Thương An Giang thì để các cơ sở đầu tư thiết bị máy móc, Sở Công Thương đã hỗ trợ theo hình thức, nếu là cơ sở làng nghề thì hỗ trợ 50% vốn, còn cơ sở sản xuất sản phẩm đặc thù thì hỗ trợ 30%. Đồng thời Sở cũng hỗ trợ chi phí để hợp quy sản phẩm. Qua đó cũng nâng cao chất lượng sản phẩm.


Với chủ trương trên, nhiều doanh nghiệp đã mạnh dạn thay đổi công nghệ trong sản xuất. Từ đó, ngày càng khẳng định được uy tín và thương hiệu của sản phẩm. Qua những lần tham gia xúc tiến thương mại cùng với ngành Công Thương, ngoài việc nắm bắt được nhu cầu và thị hiếu của khách hàng ở từng vùng miền để điều chỉnh hoạt động sản xuất cho phù hợp, các cơ sở còn phát triển thêm được kênh phân phối sản phẩm của mình.


Có được thương hiệu đã khó, để giữ vững thương hiệu là việc càng khó hơn. Do đó, ngoài việc quan tâm đến chất lượng, bao bì thì yếu tố an toàn vệ sinh thực phẩm đã được các cơ sở đặt lên hàng đầu. Nói về vấn đề ATVSTP, ông Trần Lê Hùng, Chủ Cơ sở bánh hạnh nhân Tiến Anh, An Giang cho biết: Năm nay Công ty đã phát triển được thêm 3 tỉnh nữa là Quảng Nam, Quảng Ngãi và Đà Nẵng, số lượng sản phẩm cũng tăng thêm 50%. Về vấn đề ATVSTP thì cơ sở đã huấn luyện cho nhân viên rất kỹ từ khâu nhồi bột tới nướng bánh rồi đóng gói bao bì phải đầy đủ.


Hiện nay những sản phẩm đặc trưng của An Giang đã tạo được một mạng lưới phân bố rộng khắp trong cả nước. Có được kết quả này, ngoài những chính sách hỗ trợ đồng bộ, đặc biệt là công tác xúc tiến thương mại của ngành Công Thương thì phải kể đến sự chủ động của doanh nghiệp tham gia thị trường. Từ đó, sản phẩm của làng nghề đã có thể cạnh tranh với các sản phẩm ngoại ngay trên thị trường nội địa. Những năm gần đây, các sản phẩm chủ lực của An Giang cũng đã tạo được sự quan tâm nhất định với các đối tác nước ngoài. Ngoài ra Sở Công Thương An Giang cũng thường xuyên tổ chức các hội nghị, hội thảo. Cụ thể là cuối năm 2013 vừa qua, Sở đã tổ chức các Hội nghị xúc tiến thương mại với sự tham gia của tham tán và các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Tại hội nghị, đã có chương trình ký kết hợp tác giữa An Giang với các công ty, tập đoàn nước ngoài trong việc mở rộng mạng lưới phân phối sản phẩm. Đây sẽ là kỳ vọng mới trong việc quảng bá thương hiệu các mặt hàng chủ lực của địa phương trong thời gian tới.


Hùng Lê