Nhằm đảm bảo mục tiêu chuyển dịch cơ cấu kinh tế tại địa phương, thời gian qua, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã chú trọng phát triển công nghiệp nông thôn, đặc biệt là đào tạo nghề cho người lao động. Đây được xem là một trong những giải pháp thiết thực đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội.


Sau 5 năm thực hiện Nghị định 134/2004/NĐ-CP và 2 năm thực hiện Quyết định số 136/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về khuyến khích phát triển công nghiệp nông thôn đã góp phần làm gia tăng giá trị sản xuất công nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động của tỉnh. Hiện toàn tỉnh có 4.980 cơ sở sản xuất công nghiệp, trong đó cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn chiếm tỷ lệ 79,31%, tốc độ phát triển giá trị sản xuất công nghiệp đạt mức tăng trưởng bình quân giai đoạn 2005-2009 là 20,35%, trong đó giá trị sản xuất công nghiệp nông thôn tăng 18,63%. Bên cạnh đó, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã triển khai nhiều đề án thuộc công tác khuyến công như: hỗ trợ, tư vấn, khuyến khích các doanh nghiệp vừa và nhỏ, làng nghề truyền thống phát triển, đào tạo nghề cũng như việc triển khai thực hiện các chương trình về tiết kiệm năng lượng, triển khai trình diễn các mô hình kỹ thuật, mang lại lợi ích thiết thực cho người lao động và nguồn ngân sách địa phương. Số lượng các đề án khuyến công và kinh phí thực hiện liên tục tăng qua các năm góp phần chứng tỏ công tác khuyến công trên địa bàn tỉnh đã đi vào chiều rộng và chiều sâu.


Bà Trần Thị Kim Thu - Giám đốc Trung tâm Khuyến công và tư vấn phát triển (TTKC&TVPT) công nghiệp tỉnh cho biết, Bà Rịa – Vũng Tàu rất quan tâm phát triển công nghiệp nông thôn tại các địa phương, đặc biệt là công tác đào tạo nghề cho người lao động, truyền nghề và phát triển nghề, nâng cao tay nghề và năng lực quản lý điều hành. Tỉnh cũng thực hiện nhiều chính sách ưu đãi về đầu tư, đất đai, khoa học công nghệ, tổ chức các khóa đào tạo khởi sự DN… nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh cho các DN công nghiệp nông thôn cũng như trình độ và thu nhập cho lao động địa phương. Thông qua đó đảm bảo tốt việc gìn giữ và tiếp tục phát triển các làng nghề truyền thống tại địa phương như: làng nghề đúc đồng ở huyện Long Điền, làng nghề làm đá ở Tân Thành, các làng nghề sản xuất mỹ nghệ trên địa bàn tỉnh…


Từ năm 2007-2009, TTKC&TVPT công nghiệp Bà Rịa - Vũng Tàu đã cung cấp cho các DN thứ cấp hoạt động trong cụm công nghiệp 2.750 lao động được đào tạo thuộc nhiều ngành nghề trong đó chủ yếu là may công nghiệp, góp phần không nhỏ vào việc giải quyết việc làm, thu nhập cho người lao động và đóng góp vào giá trị sản xuất công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp (CN-TTCN) của địa phương. Mới đây, TTKC&TVPT công nghiệp tỉnh cũng tổ chức lớp đào tạo nghề cho người lao động trong lĩnh vực tiểu thủ công nghiệp như mây tre đan, sò ốc mỹ nghệ tại địa phương nhằm tạo điều kiện chuyển đổi nghề, giải quyết việc làm tại chỗ, đồng thời nâng cao thu nhập cho người lao động.


Trong 6 tháng đầu năm 2010, TTKC&TVPT CN triển khai thực hiện 10 đề án, trong đó có 04 đề án khuyến công quốc gia với tổng kinh phí được hỗ trợ là 2,449 tỷ đồng và 6 đề án khuyến công địa phương với kinh phí được hỗ trợ là 1,156 tỷ đồng. Thực hiện chỉ đạo của Cục Công nghiệp địa phương theo Công văn số 197/CNĐP-QLKC về việc hướng dẫn xây dựng kế hoạch khuyến công năm 2011, TTKC&TVPT công nghiệp tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã tiến hành khảo sát thực tế các DN, cơ sở công nghiệp nông thôn tại các huyện trên địa bàn tỉnh để chuẩn bị cho kế hoạch công tác khuyến công năm 2011. Dự kiến, năm 2011, trung tâm sẽ xây dựng đề án “Tham quan học tập kinh nghiệm về công tác bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu tại các tỉnh phía Bắc”. Bên cạnh đó, Trung tâm sẽ xây dựng các đề án thuộc các chương trình chính như công tác đào tạo nghề may, duy trì và phát triển nghề; Công tác bình chọn sản phẩm cấp vùng; Tập huấn công tác khuyến công và nâng cao năng lực quản lý cho cán bộ; Tập huấn đào tạo tiết kiệm năng lượng dành cho kỹ thuật viên…


Trong thời gian tới, định hướng giai đoạn 5 năm (2011-2015), Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ chủ yếu tập trung phát triển các ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, gắn sản xuất với chế biến để mang lại hiệu quả cao nhất; Phát triển công nghiệp nông thôn, đặc biệt chú trọng các ngành công nghiệp vệ tinh để phục vụ các ngành công nghiệp mũi nhọn của tỉnh như chế biến nông thủy sản quy mô nhỏ, đầu tư phát triển các ngành khai thác… khuyến khích đầu tư công nghệ sản xuất tạo ra sản phẩm chất lượng cao hướng ra thị trường xuất khẩu./.
 

Ven.vn