Những năm gần đây, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã tích cực triển khai một số nhiệm vụ và giải pháp về phát triển công nghiệp.  Các nội dung được Tỉnh chú trọng quan tâm thực hiện, cụ thể như: Phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch cụm công nghiệp (CCN) trên địa bàn Tỉnh; xây dựng Nghị quyết của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát triển công nghiệp chất lượng cao và công nghiệp hỗ trợ; đầu tư các khu chế biến hải sản tập trung, đầu tư các CCN phục vụ di dời cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường nằm trong các khu dân cư.

Tỉnh cũng thường xuyên tổ chức đối thoại với doanh nghiệp, rà soát các dự án chậm triển khai, để có biện pháp hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, nhằm đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án,… Vì vậy, nhiều ngành và lĩnh vực kinh tế của Tỉnh đã tăng trưởng đạt chỉ tiêu kế hoạch đề ra; đối với sản xuất công nghiệp, nhiều sản phẩm đã dần trở lại ổn định và tăng trưởng khá như thép, khí hóa lỏng, khí đốt, xi măng, nhựa các loại, quần áo, da thuộc, cấu kiện kim loại…

Trong lĩnh vực khuyến công, với các chính sách được dần hoàn thiện đã hỗ trợ hiệu quả, kịp thời tháo gỡ khó khăn vướng mắc, giúp cho doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn (CNNT) ổn định, phát triển sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp. Năm 2016, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thực hiện 24 đề án, chương trình khuyến công; trong đó, khuyến công quốc gia thực hiện 03 đề án; khuyến công địa phương thực hiện 18 đề án và 03 đề án từ chương trình tiết kiệm năng lượng địa phương. Năm 2017, Khuyến công Bà Rịa - Vũng Tàu triển khai thực hiện 23 đề án, chương trình; trong đó, 02 đề án khuyến công quốc gia; 20 đề án khuyến công địa phương và 01 chương trình tiết kiệm năng lượng địa phương. Việc triển khai các đề án, chương trình khuyến công đã hỗ trợ tích cực cho doanh nghiệp đầu tư máy móc thiết bị tiên tiến, cải tiến các quy trình sản xuất, áp dụng dây chuyền, công nghệ mới vào sản xuất, tăng chất lượng sản phẩm, dịch vụ...

Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động khuyến công Bà Rịa - Vũng Tàu vẫn còn nhiều khó khăn và hạn chế như: Quá trình từ lúc đăng ký đề án đến khi được phê duyệt kéo dài dẫn đến các đề án khuyến công còn phải điều chỉnh theo tình hình thực tế của các đơn vị thụ hưởng do các nguyên nhân về tài chính, thay đổi thông số kỹ thuật máy móc thiết bị…; Các đề án khuyến công hiện chỉ tập trung ở một số nội dung, chưa khai thác, thực hiện hết các nội dung về hoạt động khuyến công quy định trong Nghị định 45/2012/NĐ-CP ngày 21/5/2012 của Chính phủ. Ngoài ra, do thiếu phương tiện đi lại nên cũng gặp nhiều khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện các đề án, chương trình khuyến công trên địa bàn.

Để tiếp tục đẩy mạnh hoạt động khuyến công và khắc phục những khó khăn, hạn chế, khuyến công Bà Rịa - Vũng Tàu đề xuất một số giải pháp như:
Tăng cường hơn nữa công tác nắm bắt tình hình của doanh nghiệp để tháo gỡ kịp thời, qua đó đề xuất các chính sách phù hợp với quy định và sát với thực tế cơ sở CNNT đang gặp khó khăn, vướng mắc; Tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền các chính sách về khuyến công, các đề án, chương trình hỗ trợ doanh nghiệp thông qua mạng lưới cộng tác viên các cấp (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đang duy trì được mạng lưới cộng tác viên cấp huyện, cấp xã với 25 cộng tác viên), các phương tiện thông tin truyền thông; phối hợp với Đài truyền hình tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu thực hiện chuyên mục về khuyến công 01 số/tháng và phát sóng định kỳ 2 lần/tháng.

Xây dựng và kiện toàn bộ máy trung tâm khuyến công, tăng cường việc học tập nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ về khuyến công cho đội ngũ cán bộ, viên chức nhất là bộ phận viên chức, người lao động thực hiện hoạt động tư vấn dịch vụ có thu; tăng nguồn thu sự nghiệp, ổn định về tổ chức, con người để viên chức làm việc lâu dài và phát triển hơn nữa hoạt động của tổ chức khuyến công.

Bên cạnh đó, ngành Công Thương cần có cơ chế giao các dịch vụ công liên quan đến ngành cho các đơn vị sự nghiệp trực thuộc thực hiện như các hoạt động đào tạo, tập huấn, tạo điều kiện thực hiện các hoạt động tư vấn dịch vụ có thu. Đồng thời, để khuyến khích các doanh nghiệp triển khai áp dụng sản xuất sạch hơn vào hoạt động sản xuất, đề xuất tích hợp nội dung về sản xuất sạch hơn của Thông tư liên tịch số 221/2012/TTLT-BTC-BCT ngày 24/12/2012 vào Thông tư liên tịch số 26/2014/TTLT-BTC-BCT ngày 18/2/2014 nhằm giảm văn bản hành chính và xem xét điều chỉnh tăng tỷ lệ và mức kinh phí hỗ trợ đối với nội dung này; đề xuất Bộ Khoa học và Công nghệ xem xét, đẩy nhanh thời gian thẩm định, cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu cho các doanh nghiệp, cơ sở CNNT nhằm tạo điều kiện, hỗ trợ cho các cơ sở CNNT xây dựng và phát triển tốt thương hiệu sản phẩm của cơ sở, nhất là những sản phẩm đã được bình chọn và cấp Giấy chứng nhận sản phẩm CNNT tiêu biểu các cấp.

Ngoài ra, để khai thác tối đa công nghệ thông tin, internet, tiếp tục thực hiện tuyên truyền về chính sách, hỗ trợ quảng bá giới thiệu và liên kết các doanh nghiệp giữa các tỉnh, Trung tâm khuyến công các tỉnh cần xây dựng website về khuyến công, xây dựng thông tin cơ sở dữ liệu về CNNT của từng tỉnh và liên kết website giữa các tỉnh để tăng cường công tác quảng bá, liên kết các doanh nghiệp và học tập kinh nghiệm lẫn nhau, giúp các cơ sở CNNT và doanh nghiệp phát triển.


Anh Ngọc