Bà Rịa – Vũng Tàu là tỉnh phát triển mạnh về công nghiệp, dịch vụ, du lịch. Tuy nhiên, một vài địa phương do đặc thù về điều kiện tự nhiên, đất đai, khí hậu… nên cơ cấu kinh tế của địa phương là phát triển nông nghiệp, nhất là cây công nhiệp lâu năm, trong đó có cây điều.

Với diện tích hàng ngàn ha điều tập trung chủ yếu ở Châu Đức và Xuyên Mộc, tại đây đã hình thành một số doanh nghiệp kinh doanh, chế biến hạt điều. Công nghệ chế biến hạt điều hiện nay ở nước ta còn phụ thuộc nhiều vào thủ công, trong đó hai khâu quan trọng nhất là tách hạt và bóc vỏ lụa cần nhiều lao động nhất, bởi hầu hết các doanh nghiệp đều sản xuất theo phương pháp thủ công là chính. Do đó chi phí sản xuất cao, nâng lực cạnh tranh kém so với các nước khác. Mặt khác, việc bóc vỏ lụa bằng thủ công sẽ không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, nhất là trong điều kiện của doanh nhiệp.

Từ thực tế trên đặt ra cho các doanh nghiệp yêu cầu phải đổi mới công nghệ, máy móc thiết bị với mục tiêu nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm. Một tín hiệu đáng mừng trong ngành điều Việt Nam là hiện nay thiết bị chế biến hạt điều có bước tiến vượt bậc, đó là công nghệ tách nhân và công nghệ bóc vỏ lụa. Chính công nghệ mới này đã đem lại hiệu quả thiết thực cho các doanh nghiệp như sau: Giảm lượng lao động: Trong cùng thời gian so sánh khi sử dụng máy và 30 lao động (tách hạt) sẽ tạo ra 1 tấn sản phẩm, trong khi sử dụng hoàn toàn bằng thủ công sẽ cần tới 200 lao động; Công suất máy đạt 1 tấn sản phẩm/ca (8 giờ) đáp ứng được yếu tố thời gian, giúp doanh nghiệp chủ động được thời gian trong kế hoạch sản xuất; Nâng cao chất lượng sản phẩm: tỉ lệ bể vỡ: từ 10-15%; tỉ lệ sạch nhân 70-80%; Đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

Trước những hiệu quả của thiết bị công nghệ mới, một số doanh nghiệp chế biến hạt điều trên địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã mạnh dạn đầu tư đổi mới công nghệ. Nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp công nghiệp nông thôn theo Nghị định 134 của Chính phủ, Trung tâm Khuyến công tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã đưa vào kế hoạch năm 2010 xây dựng đề án hỗ trợ mô hình trình diễn kỹ thuật chế biến nhân hạt điều bằng thiết bị máy bóc vỏ lụa cho công ty TNHH Thanh Sơn tại xã Bàu Lâm, huyện Xuyên Mộc. Công ty TNHH Thanh Sơn phát triển từ một cơ sở gia công, chế biến hạt điều xuất khẩu. Hiện nay công ty đang đầu tư xây dựng nhà máy chế biến với công suất thiết kế: 20 tấn điều nguyên liệu/ngày, tổng vốn đầu tư trên 11 tỷ đồng.

Mục tiêu của đề án là hỗ trợ công ty mạnh dạn đầu tư, ứng dụng máy móc, thiết bị hiện đại vào sản xuất. Qua đó công ty tiết kiệm được chi phí nhân công, giảm giá thành sản phẩm, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm nhân hạt điều Việt Nam nói chung và của Bà Rịa – Vũng Tàu nói riêng. Ngoài ra, khi nhà máy đi vào hoạt động sẽ tạo việc làm cho 700 lao động với thu nhập bình quân 2 triệu đồng/người/tháng, đóng góp ngân sách mỗi năm hàng tỷ đồng và góp phần tăng giá trị sản xuất công nghiệp cho địa phương.
 

TT  KC & Tư vấn PTCN, BR-VT