Đó là các dự án: Làng nghề mây tre đan xuất khẩu xã Tăng Tiến (huyện Việt Yên); làng nghề sản xuất rượu xã Vân Hà (huyện Việt Yên); làng nghề mộc mỹ nghệ và dân dụng thôn Đông Thượng, xã Lãng Sơn (huyện Yên Dũng); làng nghề chế biến lương thực, sản xuất mỳ gạo thôn Thủ Dương, xã Nam Dương (huyện Lục Ngạn). Các cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn đầu tư trên địa bàn tỉnh được ưu đãi miễn giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước, thuế thu nhập doanh nghiệp. Các cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn được tư vấn và hỗ trợ xây dựng website, được hỗ trợ 50% chi phí thuê gian hàng khi tham gia hội chợ, triển lãm giới thiệu sản phẩm ở trong nước. Giai đoạn 2005 – 2009, tỉnh cũng đã dành 2.321,348 triệu đồng từ nguồn ngân sách hỗ trợ cho 9 doanh nghiệp có đề tài, dự án khoa học và công nghệ cấp tỉnh về ứng dụng thiết bị công nghệ mới, vật liệu mới trong lĩnh vực công nghiệp, TTCN. Sở Công Thương cũng đã hỗ trợ cho 10 doanh nghiệp, hợp tác xã có đề tài, dự án khoa học và công nghệ cấp ngành với tổng số kinh phí là 215 triệu đồng. Nguồn kinh phí ngân sách nhà nước dành cho hoạt động khuyến công tăng dần theo từng năm (năm 2005 là 1.150 triệu đồng, đến năm 2009 là 2.631 triệu đồng).
Các cơ chế chính sách hỗ trợ hoạt động khuyến công đã góp phần thúc đẩy cơ cấu kinh tế của tỉnh chuyển dịch theo hướng tích cực, đưa tỷ trọng công nghiệp - xây dựng trong GDP từ 23,3% năm 2005 lên 31,4% năm 2009; giá trị sản xuất công nghiệp ngoài quốc doanh năm 2009 đạt 1.846,4 tỷ đồng, chiếm 61,8% tổng giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh, tăng gấp 2,7 lần so với năm 2005; góp phần phát triển công nghiệp nông thôn với mức tăng trưởng bình quân trong giai đoạn 2005 - 2009 là 28,2% (giai đoạn 2000 - 2004 tăng trưởng 25,8%); giá trị sản xuất công nghiệp dân doanh tăng từ 51,7% (năm 2005) lên 61,8% (năm 2009).
Nhờ có chính sách hợp lý, kịp thời, đến nay hoạt động khuyến công ở Bắc Giang đã được triển khai đến tận cấp xã, thôn trong phạm vi toàn tỉnh với gần 200 doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể và gần 6.000 lao động ở khu vực nông thôn được trực tiếp thụ hưởng kinh phí khuyến công hoặc kết quả của hoạt động khuyến công. Phát triển và tạo dựng một số nghề mới ở vùng thuần nông như chẻ tăm lụa (xã Tân Mỹ, huyện Yên Dũng), dệt mành tăm (xã Tăng Tiến, huyện Việt Yên), thêu xuất khẩu (xã Xương Giang, TP. Bắc Giang), gốm làng Ngòi (xã Tư Mại, huyện Yên Dũng), sứ giả cổ (xã Quảng Minh, huyện Việt Yên), sản xuất hàng mỹ nghệ lưu niệm (xã Đức Thắng, huyện Hiệp Hoà); đồng thời tạo điều kiện cho một số làng nghề phát triển mạnh như mỳ Thủ Dương (xã Nam Dương, huyện Lục Ngạn), tre đan Tăng Tiến (xã Tăng Tiến, huyện Việt Yên), mộc Đông Thượng (xã Lãng Sơn, huyện Yên Dũng), rượu Làng Vân (xã Vân Hà, huyện Việt Yên); đặc biệt là sản phẩm mỳ Kế của xã nghề Dĩnh Kế (TP. Bắc Giang) đã được cấp giấy chứng nhận bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ về nhãn hiệu hàng hoá tập thể (năm 2009). Theo ông Phan Văn Hùng, giám đốc Trung tâm khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp Bắc Giang điều quan trọng trong việc đầu tư xây dựng các chương trình, đề án là phải có trọng tâm, trọng điểm, nhất là công tác đào tạo nghề, truyền nghề cho lao động khu vực nông thôn. Phải thực hiện trong nhiều năm liên tục, chia thành nhiều giai đoạn, gắn liền nhu cầu thực tiễn tại cơ sở, doanh nghiệp và địa phương. Đồng thời phải lựa chọn ngành nghề gắn với lợi thế của địa phương, có khả năng nhân rộng và phát triển. Đặc biệt chú trọng và ưu tiên cho các đề án đào tạo nghề gắn với các cơ sở công nghiệp nông thôn có nhu cầu lao động, đào tạo nghề cho nông dân những vùng thiếu đất nông nghiệp, Nhà nước sử dụng đất nông nghiệp cho mục đích khác; đào tạo lao động cho làng nghề; đào tạo nâng cao tay nghề cho lao động đang làm việc tại các cơ sở công nghiệp nông thôn để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Được biết, 5 năm qua, hoạt động khuyến công đã góp phần hình thành và phát triển các doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất công nghiệp ở các vùng nông thôn, làng nghề (từ 147 doanh nghiệp, hợp tác xã năm 2005 lên 375 doanh nghiệp năm 2009), góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập, đẩy mạnh xoá đói giảm nghèo và phát triển đời sống văn hoá - xã hội ở nông thôn.
Thành Hưng