Ngành Công Thương Bắc Giang luôn có sự phối hợp chặt chẽ với ngành Công Thương các tỉnh trong việc tham khảo, trao đổi thông tin phục vụ cho việc xây dựng quy hoạch phát triển công nghiệp và thương mại trên địa bàn tỉnh nhằm khai thác tối đa lợi thế trên các tuyến hành lang kinh tế: Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh và Lạng Sơn – Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh. Để trao đổi kinh nghiệm trong công tác khuyến công, Sở Công Thương đã mời một số doanh nghiệp cùng ngành nghề tham dự “Chương trình hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ và tiến bộ khoa học kỹ thuật”, tư vấn cho các doanh nghiệp về đầu tư công nghệ, nâng cao công suất, chất lượng sản phẩm, hỗ trợ về vốn và kỹ thuật... nhờ vậy các sản phẩm sản xuất ra đều khẳng định được vị thế trên thị trường, từ đó có thể nhân rộng để các doanh nghiệp cùng ngành nghề trên địa bàn các tỉnh học tập và áp dụng. Để giúp doanh nghiệp nhanh chóng nắm bắt và xử lý thông tin thị trường, Sở Công Thương liên tục cập nhật thông tin lĩnh vực công thương trên trang web Công Thương Bắc Giang, Tạp chí Xúc tiến thương mại, Bản tin Công nghiệp nhằm giới thiệu, quảng bá sản phẩm của địa phương, góp phần thúc đẩy giao thương với các tỉnh bạn.
Góp phần ngăn chặn có hiệu quả việc nhập lậu hàng hóa không rõ nguồn gốc, không qua kiểm dịch trên khâu lưu thông qua các tuyến quốc lộ kết nối Bắc Giang, Bắc Ninh, Lạng Sơn, Thái Nguyên... Sở Công Thương Bắc Giang đã phối hợp với các ngành chức năng triển khai công tác chống buôn lậu và gian lận thương mại như cung cấp thông tin, xử lý các vụ vi phạm, điều tra chống hàng giả, hàng nhái, hàng cấm nhập khẩu, hàng không rõ nguồn gốc; phối hợp xử lý dịch bệnh trên gia súc, gia cầm; tích cực học tập, chia sẻ kinh nghiệm triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia; đấu tranh, ngăn chặn việc vận chuyển buôn bán hàng lậu, hàng kém chất lượng qua biên giới và qua địa bàn tỉnh đạt một số kết quả khích lệ. Thực hiện phối hợp tốt với Sở Công Thương Lạng Sơn, Hải quan Lạng Sơn thực hiện công tác cấp C/O cho sản phẩm xuất khẩu và doanh nghiệp xuất khẩu, đảm bảo xuất khẩu đúng thời gian, đảm bảo chất lượng sản phẩm xuất khẩu. Phối hợp với Ban kinh tế cửa khẩu Lạng Sơn, Hải quan Lạng Sơn tổ chức tốt các nhiệm vụ xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm vải thiều và tiêu thụ vải thiều của tỉnh. Phối hợp với các Sở Công Thương thực hiện đưa các doanh nghiệp của tỉnh tham gia Hội chợ thương mại và hội chợ hàng công nghiệp nông thôn tiêu biểu để quảng bá và tiêu thụ sản phẩm, góp phần thúc đẩy phát triển thương mại, kích thích sản xuất phát triển.
Nhờ những nỗ lực trong công tác liên kết vùng, hiện nay công nghiệp Bắc Giang đã và đang phát huy mạnh mẽ các ngành công nghiệp có lợi thế so sánh của tỉnh, tạo ra giá trị sản xuất công nghiệp lớn như công nghiệp may xuất khẩu, công nghiệp điện - điện tử, công nghiệp chế biến nông sản, công nghiệp khai thác và sản xuất vật liệu xây dựng, công nghiệp hóa chất…. Cùng với việc hình thành 05 khu công nghiệp, trong đó có 04 khu công nghiệp đang hoạt động (tổng diện tích quy hoạch là 1.112 ha) và 34 cụm công nghiệp (diện tích 733 ha), từ năm 2011 đến nay đã thu hút 194 dự án, trong đó có 122 dự án đầu tư trong nước, vốn đăng ký 7.058 tỷ đồng, 72 dự án FDI với tổng vốn đăng ký 1.654,8 triệu USD, trong đó thu hút một số dự án đầu tư lớn như: Dự án cải tạo, mở rộng nhà máy Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc nâng công suất từ 18 vạn tấn/năm lên 50 vạn tấn/năm; Dự án sản xuất và gia công tấm cảm ứng (TP), thiết bị hiển thị tinh thể lỏng (LCD) và module hiển thị tinh thể lỏng (LCM) của công ty TNHH Wintek Việt Nam; dự án khu liên hợp trang trại chăn nuôi, giết mổ, chế biến lợn và bò thịt hàng hóa chất lượng cao của Công ty cổ phần Phát triển Công nghệ Nông thôn; dự án đầu tư nâng công suất mỏ than Đồng Rì – Tổng Công ty Đông Bắc; dự án đầu tư xây dựng xưởng đóng gói hoàn thiện sản phẩm cà phê Trung Nguyên của Công ty cổ phần cà phê hòa tan Trung Nguyên... Bên cạnh các sản phẩm công nghiệp truyền thống như phân bón, sản phẩm may mặc, ngành Công Thương Bắc Giang bước đầu đã thu hút được một số dự án đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, thiết bị điện tử như: Dự án Nhà máy sản xuẩt, gia công linh kiện máy móc chế tạo Yoshimura Kogyo Việt Nam; Dự án Nhà máy sản xuất linh kiện điện tử Daeyang - Bắc Giang...
Mặc dù công tác liên kết vùng về lĩnh vực thương mại đã được đẩy mạnh và có hiệu quả, nhưng liên kết phát triển công nghiệp còn hạn chế. Đặc biệt, tính tự giác trong liên kết giữa các tỉnh vẫn còn đang thiếu. Vì vậy, muốn phát triển, các tỉnh cần liên kết tạo nên những vùng phát triển công nghiệp, dựa vào thế mạnh, đặc thù mỗi địa phương liên kết về nguyên liệu, nơi đặt nhà máy chế biến… Trước bối cảnh nền kinh tế còn nhiều khó khăn, việc tăng cường tính liên kết trong sản xuất, kinh doanh giữa các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp có cùng ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh sẽ là một hướng đi hiệu quả để các doanh nghiệp có thể hỗ trợ, bổ sung nguồn lực cùng vượt qua khó khăn, giảm chi phí sản xuất. Bên cạnh đó, việc tham gia vào chuỗi cung ứng sẽ góp phần nâng cao mức tín nhiệm của doanh nghiệp trong việc tiếp cận vốn vay.
CỤC CÔNG NGHIỆP ĐỊA PHƯƠNG (ARID)