Sau khi được đầu tư, hỗ trợ, hầu hết các cơ sở CNNT tham gia xây dựng mô hình trình diễn và ứng dụng công nghệ, máy móc thiết bị hiện đại vào sản xuất đã đạt được nhiều hiệu quả thiết thực như giảm chi phí sản xuất, tiết kiệm năng lượng, giảm ô nhiễm môi trường, tăng giá trị sản xuất, sản phẩm hàng hóa được đa dạng hóa, nâng cao chất lượng, số lượng, tăng sức cạnh tranh, hiệu quả kinh tế, tăng thu nhập cho người lao động… Điển hình như mô hình trình diễn kỹ thuật (TDKT) sản xuất tấm lợp bông PE; sản xuất thiết bị ngành nước; sản xuất gạch…; thu hút được nhiều thành phần kinh tế tích cực đầu tư vào sản xuất, từ ngành nghề truyền thống như gỗ mỹ nghệ, đồng Đại Bái, tre trúc Xuân Lai, gốm Phù Lãng đến các ngành cơ khí, mây tre đan, may công nghiệp…
Tuy vậy, theo đánh giá, các hoạt động khuyến công của Bắc Ninh chưa phát huy được hết các nguồn lực, lợi thế và tiềm năng của địa phương; chưa tác động mạnh đến việc khuyến khích các doanh nghiệp, cơ sở CNNT đầu tư vốn phát triển công nghiệp hoặc đổi mới công nghệ sản xuất. Việc phối hợp xây dựng các mô hình TDKT để phổ biến nhân rộng còn khá hạn chế.
Xây dựng mô hình TDKT là một nội dung khuyến công rất thiết thực, đơn vị tham gia chương trình có nhiều cơ hội để đầu tư công nghệ, tích lũy kinh nghiệm nhờ được tư vấn, hỗ trợ cả vốn và kỹ thuật… Tuy nhiên, do số tiền được hỗ trợ còn khá hạn chế, trong khi cơ sở CNNT phải mất nhiều thời gian để hoàn thiện các thủ tục và các điều kiện tham gia, vì vậy, nhiều cơ sở CNNT không mặn mà với việc tham gia xây dựng các mô hình TDKT. Mặc dù thực tế, đa số các mô hình khi được nghiên cứu triển khai đều có hiệu quả vượt trội hơn hẳn so với trước.
Ngoài nguyên nhân chính do kinh phí hỗ trợ mô hình còn quá ít so với lượng vốn đầu tư của cơ sở CNNT, vấn đề thủ tục và điều kiện để DN được hưởng hỗ trợ cũng rất khắt khe như: cơ sở CNNT phải có số vốn đầu tư lớn, phải đầu tư, mua sắm dây chuyền mới, tạo sản phẩm mới…; yêu cầu kế hoạch thực hiện phải chi tiết, cụ thể; quá trình tổ chức thực hiện, nghiệm thu, thanh quyết toán và thanh lý hợp đồng phải qua rất nhiều khâu,… khá khó khăn cho việc hoàn chỉnh hồ sơ. Hơn nữa, cơ sở CNNT chỉ được hỗ trợ kinh phí sau khi đã thực hiện xong mô hình TDKT và hoàn thành các thủ tục thanh, quyết toán trong năm tài chính, nếu vượt sang năm sau, không được hưởng hỗ trợ...
Theo Lãnh đạo Trung tâm Khuyến công và Tư vấn Phát triển Công nghiệp Bắc Ninh, kinh phí hỗ trợ tối đa 250 triệu đồng/mô hình chưa đủ khuyến khích các cơ sở CNNT thực hiện đổi mới công nghệ, đặc biệt, trong điều kiện nền kinh tế những năm gần đây. Số cơ sở CNNT đầu tư mới, có điều kiện mua sắm dây chuyền, tạo sản phẩm mới… không nhiều khiến cho việc lựa chọn đơn vị khảo sát để xây dựng mô hình TDKT rất khó khăn. Thời gian tới, để khuyến khích các cơ sở CNNT tham gia xây dựng các mô hình TDKT thì nguồn kinh phí khuyến công hỗ trợ cần được tăng cao hơn, điều kiện, tiêu chuẩn hỗ trợ cũng cần rõ ràng và phù hợp với thực tế hơn.
Ngoài ra, để việc xây dựng các mô hình TDKT hiệu quả thì cũng cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cơ sở CNNT về việc xây dựng các mô hình TDKT; tăng cường giám sát, kiểm tra, thẩm định bảo đảm triển khai mô hình được thành công, nhất là việc tư vấn, hỗ trợ phải phù hợp với thực tế của cơ sở CNNT.
Ngọc khánh