Hiện nay, Bắc Ninh có 63 làng nghề với 42 ngành nghề. Mục tiêu của Bắc Ninh đến năm 2015 sẽ đạt mỗi xã có một làng nghề, đến năm 2020 sẽ có 100% số thôn có ít nhất 1 nghề phi nông nghiệp, mỗi xã có từ 1-2 làng nghề. Hiện Bắc Ninh đang tích cực thực hiện các chương trình xúc tiến thương mại và các chính sách cho vay vốn ưu đãi, thuế, mặt bằng sản xuất, ưu tiên cho công tác đào tạo, chuẩn bị nguồn nhân lực cho các làng nghề.


Nhằm góp phần vào sự tăng trưởng của ngành công nghiệp nông thôn tỉnh, 5 năm qua, Trung tâm Khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp (TTKC) Bắc Ninh đã hỗ trợ đào tạo nghề, nâng cao tay nghề cho hơn 12.600 lao động với các ngành nghề mộc mỹ nghệ, mây tre đan, may công nghiệp, gốm… Công tác đào tạo nghề được thực hiện trên cơ sở liên kết chặt chẽ với các DN, do đó, chất lượng của các lớp đào tạo luôn được đảm bảo và tỷ lệ người lao động tìm được việc làm cũng rất cao.

 

Một trong những chính sách cơ bản của Bắc Ninh là: Coi khuyến khích hỗ trợ xây dựng và phát triển làng nghề, ngành nghề là khâu đột phá trên diện rộng nhằm đẩy mạnh CNH-HĐH nông nghiệp và nông thôn. Trong đó có việc khuyến khích phát triển các cụm công nghiệp làng nghề và đa nghề, quy hoạch lại các cơ sở sản xuất nằm lẫn trong khu vực dân cư và có chính sách ưu đãi các doanh nghiệp vào cụm công nghiệp. Hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới thiết bị công nghệ, kết hợp yếu tố cổ truyền với hiện đại. Điển hình là làng gỗ mỹ nghệ Phù Khê hiện có gần 30 doanh nghiệp và trên 500 cơ sở chuyên sản xuất và kinh doanh các mặt hàng gỗ mỹ nghệ, giá trị sản xuất của nghề chiếm tới 80% tổng giá trị địa phương. Nhiều gia đình không chỉ dựa vào nghề để sống mà còn vươn lên làm giàu, giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn hơn mình. Tại địa phương đã hình thành nhiều trung tâm buôn bán các sản phẩm gỗ theo hướng chuyên nghiệp. Trong đó, đã hình thành 2 chợ gỗ với diện tích gần 5 hecta, trên 300 gian hàng dùng để buôn bán gỗ cho các hộ sản xuất trong và ngoài địa phương. Ngoài ra, làng nghề còn được đầu tư hệ thống đường rộng rãi, có đầy đủ các phương tiện hỗ trợ như: Đèn điện, nước, bảo vệ nghiêm ngặt.., tạo điều kiện thuận lợi tối ưu để người dân kinh doanh. Nhiều làng nghề đã được tách ra khỏi khu dân cư nhưng vẫn mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân địa phương.

 

Đặc biệt, TTKC Bắc Ninh cũng rất tích cực đào tạo chuẩn bị nguồn nhân lực cho chương trình nhân cấy nghề tại các địa phương, trong đó, nhiều nghề đã phát triển rất tốt như: may công nghiệp, dệt mành tăm, dệt vải công nghiệp, gia công chi tiết các sản phẩm cơ khí… Hàng năm, TTKC đều thực hiện các đợt khảo sát nhu cầu học nghề, nhu cầu lao động trên địa bàn tỉnh nhằm xác định số nghề, số lao động được đào tạo cho chính xác, hợp lý và tránh lãng phí. Ngoài ra, công tác tuyên truyền cũng được tích cực thực hiện nhằm giúp người lao động khu vực nông thôn hiểu về chính sách và tham gia thụ hưởng. Có thể thấy rằng, Bắc Ninh đang chủ động đi bằng “hai chân” trong phát triển công nghiệp: vừa xây dựng các cơ sở sản xuất có quy mô lớn ở các KCN tập trung, vừa phát triển các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở các cụm công nghiệp đa nghề, cụm công nghiệp làng nghề. Cách làm này ngày càng phát huy hiệu quả trong việc đẩy mạnh phát triển công nghiệp nông thôn ở Bắc Ninh.

 

 

 

Ngọc Lâm