Phát triển các ngành nghề phi nông nghiệp nói chung và nghề thủ công nói riêng ở khu vực nông thôn trong quá trình công nghiệp và đô thị hóa được tỉnh Bắc Ninh quan tâm, đầu tư và xem là những giải pháp quan trọng để góp phần xây dựng nông thôn mới.


Hiện nay, toàn tỉnh có 62 làng nghề thủ công, trong đó có 31 làng nghề thủ công truyền thống, trong đó có nhiều làng nghề thủ công mỹ nghệ nổi tiếng như: Đồng Kỵ, Đại Bái, Xuân Lai, Phong Kê, Văn Môn…

Những năm qua Bắc Ninh đã và đang tích cực đào tạo nghề, nhân cấy nghề mới, đồng thời áp dụng các giải pháp cụ thể nhằm tạo điều kiện hỗ trợ tốt nhất cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Tỉnh hướng các hoạt động khuyến công cho các cơ sở trong làng nghề, nhất là chương trình triển khai nhân cấy nghề mới cho nông thôn, phấn đấu đến năm 2015, ít nhất mỗi xã có một làng nghề phi nông nghiệp. Vận dụng linh hoạt các chủ trương, chính sách của Nhà nước được tỉnh coi là biện pháp tạo môi trường thuận lợi nhằm khuyến khích, thu hút vốn đầu tư cho các làng nghề. Bên cạnh đó, Bắc Ninh tiếp tục bổ sung quy hoạch các cụm làng nghề gắn với quy hoạch nông thôn mới, phát triển làng nghề theo hình thức đa dạng hóa chủ sở hữu, củng cố các làng nghề hiện có, tập trung đầu tư cho các làng nghề có điều kiện phát triển tốt, chú trọng việc phát triển các nghề mới gắn với việc xây dựng làng văn hóa - du lịch tại ở nông thôn.

Giá trị sản xuất công nghiệp trong các làng nghề chiếm khoảng 75- 80% giá trị sản xuất công nghiệp ngoài quốc doanh và chiếm từ 25- 30% giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh. Qua đó, giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động ở nông thôn, sử dụng nguồn tài nguyên sẵn có, hạn chế sự di dân tự do ra thành thị. Bảo tồn nghề thủ công truyền thống chẳng những có thể gìn giữ được nét độc đáo của lịch sử, văn hóa mà còn tạo cơ hội lớn trong việc tạo dựng và phát triển những làng nghề thủ công mới, các sản phẩm thủ công mới ngày càng phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng./.
 


Thái Hùng