Thời gian qua, ngoài nguồn vốn khuyến công của tỉnh đầu tư hỗ trợ, hàng năm, các huyện, thành phố còn đầu tư một khoản kinh phí nhất định để phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp (CN-TTCN).


Trong đó chủ yếu dành để đào tạo các ngành nghề như thêu tay, đan giỏ lục bình, đan ghế và giới thiệu việc làm cho lao động; Hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh đầu tư máy móc thiết bị, xây dựng điểm trình diễn kỹ thuật, tham quan học tập và ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất; giới thiệu quảng bá sản phẩm; hỗ trợ doanh nghiệp tham gia hội chợ, triển lãm trong và ngoài tỉnh.


Huyện Châu Thành đã phối hợp với Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh thường xuyên mở lớp tập huấn, đào tạo nghề cho người lao động; phối hợp xây dựng, phát triển làng nghề dệt chiếu ở Thuận Điền, xã An Hiệp, giải quyết hàng trăm lao động có việc làm và thu nhập ổn định. Ngoài ra, huyện còn đầu tư phát triển làng nghề thủ công mỹ nghệ từ thân dừa, gáo dừa kết hợp với phát triển du lịch ở Cồn Phụng-Tân Thạch. Huyện Mỏ Cày Nam tập trung phát triển các mặt hàng chủ yếu như chỉ xơ dừa, than thiêu kết, kẹo dừa. Với trên 1.600 cơ sở sản xuất hàng CN-TTCN, hơn 18.500 lao động ở đây đã có việc làm thường xuyên. Nhiều cơ sở đã mạnh dạn đầu tư mở rộng sản xuất, cải tiến trang thiết bị, tạo thêm nhiều sản phẩm mới. Ngoài ra, còn có trên 6.000 hộ tham gia dệt thảm xơ dừa, lục bình, chiếu lác, đan ghế, dây chuối, góp phần tăng thu nhập cho hàng ngàn lao động. Ngoài nguồn vốn 1 tỷ đồng đầu tư cho các hoạt động khuyến công, huyện còn phối hợp mở các lớp đào tạo nghề ở xã An Định, Bình Khánh Tây, Bình Khánh Đông, An Thới, Thành Thới A. Huyện Ba Tri đã tổ chức đào tạo nghề cho trên 400 lao động, tổ chức cho người dân ở làng nghề đan đát: Phước Tuy, Phú Lễ tham quan các doanh nghiệp sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ, sản xuất bánh phồng ở Tiền Giang; làng nghề chế biến cá khô ở An Thủy (Ba Tri) và tỉnh Bình Thuận; làng nghề sản xuất bánh phồng ở Phú Ngãi (Ba Tri); phối hợp với Trung tâm Khuyến công xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật lò giết mổ gia súc tập trung tại xã An Bình Tây (Ba Tri); hỗ trợ cho cơ sở tái chế túi xốp Trường Giang thay đổi thiết bị công nghệ. Vốn khuyến công của huyện còn hỗ trợ cho các hộ sản xuất ở làng nghề đầu tư thiết bị sản xuất.


Đặc biệt, ngoài nguồn vốn Khuyến công quốc gia và của tỉnh, hầu hết các huyện, thành phố đều có chương trình đầu tư hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn. Đây là một thuận lợi lớn, góp phần quan trọng vào nhiều chương trình khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp trong thời gian tới. Đặc biệt, từ khi UBND tỉnh Bến Tre ban hành Kế hoạch trợ giúp phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, các doanh nghiệp đã được tư vấn về chính sách tài chính, tín dụng, mặt bằng sản xuất, khoa học và công nghệ, nhân lực, thị trường tiêu thụ, định hướng kế hoạch kinh doanh, giải quyết những khó khăn vướng mắc khi kinh tế hội nhập quốc tế; tập huấn, đào tạo và đào tạo lại cán bộ quản lý nhà nước đối với DNN&V; vận động xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại, mở rộng hợp tác liên doanh liên kết với các thành phần kinh tế trong tỉnh và khu vực; Định hướng phát triển sản xuất đúng theo quy hoạch và có điều kiện tham gia xuất khẩu, nhất là xuất khẩu các mặt hàng chủ lực; Tăng cường công tác tiếp cận thông tin của doanh nghiệp, có hệ thống cung cấp thông tin thị trường, tình hình kinh tế trong nước; mở lớp đào tạo, bồi dưỡng hỗ trợ khởi sự doanh nghiệp, nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp; dành quỹ đất để xây dựng các khu, cụm công nghiệp cho các DNN&V; đầu tư phát triển dạy nghề nâng cao chất lượng nguồn lao động, đặc biệt là lao động kỹ thuật; hỗ trợ xây dựng thương hiệu, tiêu thụ sản phẩm, mở rộng thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu; xã hội hóa công tác dạy nghề, đẩy mạnh hoạt động khuyến công...
 

CTV. Ngọc Loan