Theo đó, mục tiêu hàng đầu là khôi phục và khuyến khích phát triển làng nghề một cách bền vững, gắn với quá trình thực hiện CNH-HĐH Nông nghiệp - nông thôn và xây dựng Nông thôn mới trong thời kỳ đổi mới đất nước.. Trong đó, phát triển Làng nghề phải gắn với thu hút và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn theo hướng công nghiệp và dịch vụ, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho nông dân. Đồng thời, phát triển làng nghề phải gắn với bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá địa phương thông qua các sản phẩm phục vụ sự nghiệp phát triển du lịch, cũng như bảo vệ môi trường sinh thái bền vững.
Đến năm 2015, tỉnh Bình Định tiếp tục ưu tiên và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn để khôi phục và phát triển 38 làng nghề đã được UBND tỉnh quyết định công nhận đạt tiêu chí làng nghề truyền thống. Phấn đấu hàng năm, giá trị sản xuất CN-TTCN của các làng nghề này chiếm 3 % trong tổng giá trị sản xuất công nghịệp của toàn tỉnh (khoảng trên 10 nghìn tỷ đồng); thu hút thêm hàng năm từ 1.800 - 2.000 lao động ở nông thôn và thu nhập bình quân đạt từ 10 -11 triệu đồng/người/năm và kim ngạch xuất khẩu đạt 3 triệu USD.
Ông Nguyễn Văn Thắng, Phó Giám đốc sở Công Thương tỉnh Bình Định cho biết, để đạt được các mục tiêu trên, trước tiên ưu tiên phát triển các làng nghề đã có sản phẩm đáp ứng được yêu cầu của thị trường ở trong và ngoài nước; phù hợp với tay nghề của người lao động thì tiếp tục đầu tư mở rộng qui mô phát triển. Không duy trì phát triển các sản phẩm lâu dài mà không đem lại hiệu quả kinh tế cao, không có sức cạnh tranh . Mặt khác, song song phát triển các làng nghề truyền thống chọn một số làng nghề có ưu thế về lao động, nguồn nguyên liệu dồi dào đầu tư phát triển thêm làng nghề mới. Kiên quyết xử lý và đưa các làng nghề còn gây ô nhiễm môi trường di dời khỏi các khu dân cư và đưa vào các cụm công nghiệp điển hình như nghề chế biến bột sắn tại các xã Hoài Hảo, huyện Hoài Nhơn; Bình Tân, Bình Thành, huyện Tây Sơn.
Bình Định là một tỉnh nằm ở Nam Trung bộ và là mảnh đất giàu truyền thống lịch sử, cách mạng và văn hoá. Một trong những nét đặc sắc của truyền thống ấy không thể không nói sự hình thành và phát triển của Làng nghề. Cũng như bao làng nghề khác ở trên đất nước ta. Làng nghề truyền thống Bình Định ra đời và phát triển mạnh mẽ. Đến nay, theo số liệu thống kê của các ngành chức năng và địa phương trên địa bàn tỉnh có tổng cộng 54 làng nghề. Trong đó, với 38 làng nghề truyền thống đã được tỉnh công nhận có 5 làng nghề được quy hoạch phát triển du lịch như Làng nghề rượu Bàu đá xã Nhơn Lộc; làng nghề tiện gỗ mỹ nghệ Nhạn Tháp, xã Nhơn Hậu; làng nghề rèn Tay Phương Danh, thị trấn Đập đá , huyện An Nhơn. Làng nghề nón Phú gia xã Cát Tường, huyện Phù Cát và làng nghề dệt thổ cẩm Hà Ri xã Vĩnh Hiệp, huyện Vĩnh Thạnh.
Hiện khu vực sản xuất làng nghề Bình Định thu hút trực tiếp khoảng 1 vạn lao động sản xuất trực tiếp, chiếm 33,6 % tổng số hộ trong làng nghề. Tổng nguồn vốn đầu tư trên 140 tỷ đồng và các làng nghề đã tạo ra giá trị sản xuất công nghiệp chiếm tỷ trọng 18,6 % so với khu vực kinh tế cá thể và thu nhập của người lao động ở làng nghề từ 1 - 2, 5 triệu đồng/người/tháng.
Trong quá trình hình thành và phát triển, làng nghề ở Bình Định, có một vai trò hết sức quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội. Đó là tạo điều kiện để chuyển dổi cơ cấu lao động theo hướng CNH-HĐH Nông nghiệp và nông thôn. Sự phát triển của làng nghề còn góp phần không nhỏ trong việc nâng cao đời sống, thu nhập cho dân cư địa phương, góp phần vào quá trình xoá đói, giảm nghèo và vươn lên làm giàu chính đáng ở nông thôn.
Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, làng nghề ở Bình Định còn nổi lên một số bức xúc, khó khăn và tồn tại, nhất là vấn đề về quản lý sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, xây dựng thương hiệu và ô nhiễm môi trường đang cần được quan tâm giải quyết./.
Viết Ý