Năm 2016, Bình Dịnh được hỗ trợ tổng kinh phí 2.925 triệu đồng để thực hiện 23 chương trình, đề án khuyến công (tăng 26,1% kinh phí và 7 chương trình, đề án so với năm 2015).

Trong đó, nguồn kinh phí khuyến công quốc gia được Bộ Công Thương phê duyệt hỗ trợ 900 triệu đồng tăng 40,6% so với năm 2015, gồm các đề án hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ và ứng dụng máy móc tiên tiến, tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp; hỗ trợ liên doanh liên kết, hợp tác kinh tế, phát triển các cụm công nghiệp.


Khuyến công địa phương có 20 chương trình đề án với kinh phí hỗ trợ 2.025 triệu đồng, tăng 20,5% kinh phí so với năm 2015. Các đề án thực hiện bao gồm: Hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ và ứng dụng máy móc tiên tiến, tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, với kinh phí hỗ trợ 1.438 triệu đồng; Xây dựng các chương trình truyền hình, truyền thanh, các hình thức thông tin đại chúng khác về phát triển ngành Công Thương, kinh phí hỗ trợ 60 triệu đồng; Hỗ trợ tổ chức bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn (CNNT) tiêu biểu và xây dựng, đăng ký thương hiệu; đầu tư các phòng trưng bày để giới thiệu quảng bá sản phẩm, kinh phí hỗ trợ 425,06 triệu đồng; Nâng cao năng lực quản lý và tổ chức thực hiện hoạt động khuyến công, kinh phí thực hiện 101,94 triệu đồng.


Với nguồn kinh phí này, năm 2016, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Bình Định (Trung tâm) đã tổ chức thành công Chương trình bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp tỉnh; tham gia bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp khu vực và Hội chợ triển lãm hàng CNNT tiêu biểu khu vực miền Trung – Tây Nguyên. Trong đó có 51 sản phẩm đạt sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp tỉnh năm 2016; đăng ký 31 sản phẩm đạt cấp tỉnh tham gia bình chọn cấp khu vực. Kết quả có 10 sản phẩm đạt chứng nhận sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp khu vực.


Trung tâm cũng đã hỗ trợ đăng ký, xác lập quyền sở hữu nhãn hiệu cho hai sản phẩm là Nước mắm Đề Gi huyện Phù Cát và Rượu đậu xanh huyện Tây Sơn; Hỗ trợ đầu tư phòng trưng bày, giới thiệu quảng bá sản phẩm làng nghề gắn với du lịch tại Làng nghề Nón lá Phú Gia; trình diễn mô hình sản xuất sản phẩm mới; hỗ trợ máy móc vào sản xuất sản phẩm. Các hoạt động này đã góp phần thúc đẩy sự phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa CNNT, tạo việc làm tại chỗ cho lao động nông thôn, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động ở nông thôn, xây dựng nông thôn mới theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.


Năm 2017, Trung tâm đã tham mưu xây dựng kế hoạch tập trung vào các nội dung như: Hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật; hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị, công nghệ tiên tiến; hỗ trợ xây dựng và đăng ký thương hiệu đối với các sản phẩm CNNT tiêu biểu đã được công nhận... Ưu tiên các đề án thực hiện tại các địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, các xã xây dựng nông thôn mới; các sản phẩm CNNT tiêu biểu được công nhận; sản phẩm công nghiệp chủ lực, trọng điểm của tỉnh; sản xuất các sản phẩm xuất khẩu; sử dụng nguyên liệu tại chỗ, sử dụng nhiều lao động; đầu tư sản xuất phát triển công nghiệp cơ khí, hóa chất phục vụ nông nghiệp, nông thôn; sản xuất, chế biến nông - lâm - thủy sản; công nghiệp hỗ trợ; áp dụng sản xuất sạch hơn trong sản xuất công nghiệp.


Khánh Ngọc