Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn nhưng kinh tế Bình Dương đã khép lại năm 2010 rất thành công với tốc độ tăng trưởng GDP ấn tượng: 14,5%. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu, thu hút đầu tư nước ngoài, xây dựng hạ tầng đô thị là những lĩnh vực ghi lại dấu ấn rõ nét nhất cho sự thành công của kinh tế Bình Dương.

 

Dẫn đầu về thu hút đầu tư nước ngoài

Theo báo cáo của UBND tỉnh Bình Dương, giá trị sản xuất công nghiệp năm 2010 ước đạt 105.923 tỷ đồng, đạt 101,4% so với kế hoạch năm và tăng 20,5% so với cùng kỳ. Trong đó, doanh nghiệp trong nước chiếm 23%, các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài chiếm 67%. Toàn tỉnh hiện có 28 khu công nghiệp tập trung, trong đó 24 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động với trên 1.200 doanh nghiệp đang sản xuất kinh doanh.

Kim ngạch xuất khẩu ước đạt 8.370 triệu USD tăng 19,7% so với cùng kỳ. Trong khi đó nhập khẩu của Bình Dương năm 2010 chỉ có 7.126,1 triệu USD và như vậy Bình Dương đã xuất siêu trên 1 tỷ USD - một thành công rất lớn trong bối cảnh Việt Nam vẫn phải nhập siêu năm 2010. Toàn tỉnh hiện có 1.600 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu trực tiếp vào 183 nước và vùng lãnh thổ, chủ yếu là thị trường châu Âu, Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc, Trung Quốc… Trong đó có những mặt hàng xuất khẩu tăng mạnh so với năm trước như: Cao su (tăng 71,4%), tiêu (49,4%) điện tử (24,1%)…


Ông Trần Văn Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, các doanh nghiệp đã rất nỗ lực trong sản xuất mỗi khi gặp khó khăn, cộng với việc thị trường tiêu thụ dần được khôi phục nên nhiều đơn hàng được ký, nhất là các ngành hàng có sản phẩm xuất khẩu chủ lực, đã góp phần đưa giá trị kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng mạnh.


Hoạt động của thị trường hàng hóa với các chương trình xúc tiến thương mại, bán hàng giảm giá, chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, tuần lễ hàng Việt Nam… đã góp phần hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn và khai thác hiệu quả thị trường trong nước. Năm 2010 tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ của tỉnh ước đạt 44.130 tỷ đồng, đạt 102% so với kế hoạch năm và tăng 31% so với cùng kỳ.
 

Mặc dù năm 2010 không có những dự án lớn nhưng Bình Dương vẫn là địa phương đi đầu trong thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Chỉ tính đến tháng 10/2010, thu hút FDI của tỉnh đã đạt xấp xỉ 1 tỷ USD, bao gồm 104 dự án đầu tư mới có vốn đăng ký 413 triệu USD và 153 dự án bổ sung thêm với vốn đăng ký 536 triệu USD.


Đến nay, toàn tỉnh đã thu hút được 10.181 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đăng ký trên 87.500 tỷ đồng và hơn 200 dự án FDI với tổng vốn đăng ký trên 13.000 tỷ USD. Sự khác biệt trong thu hút FDI của tỉnh trong năm nay là số dự án đã tăng mạnh về chất và đa dạng về cơ cấu ngành như: sản xuất công nghệ, bất động sản, thương mại dịch vụ, điện tử, ngành kỹ thuật cao… Trong đó, nổi bật có dự án sản xuất lốp ô tô của tập đoàn Kumho Asiana với tổng vốn 380 triệu USD; Dự án khu đô thị sinh thái Mỹ Phước được ký kết hợp tác giữa SP Setia Berhad (Malaysia) và Becamex corp với vốn đầu tư khoảng 600 triệu USD; Dự án sản xuất bao bì cao cấp của tập đoàn SDG Sam cment Thái Lan) với vốn đầu tư giai đoạn I là 140 triệu USD…


Thành công có được như ngày hôm nay là do Bình Dương luôn thực hiện đúng đắn về phát triển kinh tế xã hội, đặc biệt có chính sách khuyến khích, “trải thảm đỏ” kêu gọi nhà đầu tư đến với Bình Dương. Không giống với một số địa phương khác, Bình Dương đã chủ động ra nước ngoài đặt văn phòng đại diện, đến nay đã có các văn phòng được đặt tại Singapore, Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ, Hà Lan, Đức. Hơn thế nữa, lãnh đạo tỉnh còn thường xuyên tổ chức đi nước ngoài xúc tiến đầu tư và đã gặt hái được rất nhiều thành công.Với chính sách khôn khéo trong thu hút FDI, Bình Dương luôn được các nhà đầu tư đánh giá cao. Trong buổi lễ khởi công xây dựng nhà máy sản xuất Hùng Anh Food thuộc Tập đoàn Sukmono (Hà Lan), ông Jos Schellaars, Tổng lãnh sự quán Hà Lan tại TP.HCM cho rằng: Với thủ tục thông thoáng cùng hệ thống hạ tầng đô thị hoàn thiện, Bình Dương đang cho thấy là tỉnh luôn hấp dẫn đối với các nhà đầu tư.


Xây dựng hạ tầng đô thị hiện đại


Một trong những yếu tố thành công trong thu hút FDI của Bình Dương là đã đầu tư xây dựng, mở rộng và nâng cấp đồng bộ hạ tầng đô thị theo hướng hiện đại. Trong đó, Bình Dương tập trung phát triển hệ thống giao thông đường bộ với trung tâm Quốc Lộ 13 kết nối giao thông của cả nước. Trong khi đó, đường cao tốc Mỹ Phước – Tân Vạn cũng đang được xây dựng gồm 6 làn xe với chiều dài 42km có tổng kinh phí trên 3500 tỷ đồng. Dự kiến năm 2013 đường cao tốc này sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng. Cùng với đường Xuyên Á, Mỹ Phước – Tân Vạn sẽ là tuyến đường huyết mạnh từ Bình Dương vận chuyển hàng hóa lên khu vực Tây Nguyên, các tỉnh miền Đông Nam Bộ đến sân bay, cảng biển Quốc tế của TP.HCM. Hệ thống tàu điện cũng sẽ được triển khai trong năm 2010 nhằm kết nối Bình Dương với trung tâm thành phố mới.


Đối với giao thông đường thủy, hiện Bình Dương có 4 cảng sông nhưng chủ yếu là cảng nước cạn và trong đó mới chỉ có 1 cảng đang hoạt động, vì vậy việc xây dựng và nâng cấp hệ thống cảng đang được tỉnh triển khai trong thời gian tới để thuận tiện cho việc vận chuyển hàng hóa. Tuy nhiên, cái được lớn nhất về hạ tầng đô thị của Bình Dương năm 2010 chính là sự xuất hiện ngày càng nhiều dự án đô thị mới. Trong đó nổi bật có khu đô thị The Canary tọa lạc ngay trước KCN Việt Nam- Singapore gồm 1.200 căn hộ cao cấp, Trung tâm thương mại, khách sạn và trường học quốc tế; khu đô thị mới Bình Nguyên với diện tích 22ha nằm tiếp giáp vành đai Đại học Quốc gia TP.HCM; khu đô thị Thới Hòa (Mỹ Phước 4) hiện đại bậc nhất khu vực Đông Nam Bộ, cùng các dự án đô thị Gold Town, IJC AROMA…


Đặc biệt, khu đô thị thành phố mới Bình Dương do Becamex IDC làm chủ đầu tư với quy mô 1.000 ha được chính phủ phê duyệt. Nằm trong khu liên hợp công nghiệp, dịch vụ và đô thị Bình Dương, dự án thành phố mới Bình Dương gồm các hạng mục chính: Trung tâm chính trị - hành chính tập trung, khu công nghệ kỹ thuật cao, trung tâm thương mại - tài chính - ngân hàng, văn phòng cho thuê, hội nghị triển lãm… Sau khi hoàn thành xây dựng, khu đô thị mới này sẽ trở thành một thành phố công nghiệp, giáo dục và đào tạo hiện đại. Với sự phát triển đồng bộ và rõ nét trên đây, đặc biệt là sự tăng trưởng ấn tượng trong bối cảnh khó khăn của năm 2010, Bình Dương đã và đang là điểm sáng trên cả nước về phát triển kinh tế.
 

 

Nguồn: Báo Công Thương điện tử