Trong kỳ, ngành có thêm 58 doanh nghiệp mới đi vào hoạt động có doanh thu; trong đó có 32 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tập trung ở các ngành sản xuất hóa chất, sản xuất sản phẩm bằng kim loại và sản xuất thiết bị điện... Các doanh nghiệp họat động tiếp tục phát triển với nhiều đơn hàng được ký, nhất là các ngành có sản phẩm xuất khẩu chủ lực như dệt may, da giày, chế biến gỗ và một số mặt hàng mới như linh kiện điện tử, dây cáp điện.
Tuy nhiên, trong các tháng qua, tình hình mất điện liên tục từ 2-3 ngày/tuần đã làm cho các doanh nghiệp gặp không ít khó khăn. Khắc phục tình trạng này Khu công nghiệp VSIP đã chủ động đầu tư hàng chục tỉ đồng để lắp đặt hệ thống phát điện phục vụ cho hàng trăm nhà máy trong khu công nghiệp để ổn định sản xuất kinh doanh; đồng thời các doanh nghiệp có qui mô lớn đã trang bị máy phát điện dự phòng hoặc thuê bên ngoài để duy trì họat động, chấp nhận chi phí tăng thêm gấp nhiều lần. Các doanh nghiệp khác thì tổ chức cho công nhân làm việc vào ban đêm hoặc làm bù những ngày mất điện... nhằm đảm bảo tiến độ giao hàng đúng hợp đồng cũng như ổn định thu nhập cho người lao động...
Theo ông Lê Hồng Phoa, Chủ tịch Hiệp Hội dệt may Bình Dương (có 55 thành viên) cho rằng: Đối với các doanh nghiệp bị mất điện phải chạy máy phát thì khó khăn tăng thêm. Doanh nghiệp chạy máy phát nguồn điện không ổn định, chất lượng sản phẩm bị ảnh hưởng. Do áp lực giao hàng, doanh nghiệp thúc công nhân làm nhanh dễ dẫn đến lỗi không đảm bảo chất lượng xuất hàng. Doanh nghiệp trong ngành nhuộm, điện không ổn định khi bị cắt đột xuất hỏng cả mẻ hàng; chạy máy phát điện không ổn định nhiều công đoạt không đạt chuẩn... Năm 2010, Hiệp Hội dự kiến tăng trưởng 10% kim ngạch xuất khẩu so năm 2009 nhưng nguồn điện không đảm bảo thì chỉ tiêu này khó đạt được./.
CTV, Quách Lắm