Khảm trai là một trong những lĩnh vực thế mạnh của Bình Long sẽ được tập trung hơn trong thời gian tới. Theo Phòng Công Thương huyện Bình Long, hiện nay, toàn huyện có 427 cơ sở sản xuất công nghiệp, giải quyết công ăn việc làm cho 729 lao động khu vực nông thôn.

Nâng tỷ trọng công nghiệp trong cơ cấu kinh tế

427 là một con số không nhỏ, tuy nhiên điểm hạn chế của các cơ sở sản xuất công nghiệp này là quy mô nhỏ và nằm rải rác trong khu dân cư, kinh doanh mang tính chất hộ gia đình, cá thể. Chính vì thế, sản phẩm làm ra không nhiều, chất lượng chưa cao, khả năng cạnh tranh trên thị trường yếu, và do đó, việc phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa của Bình Long (Bình Phước) còn nhiều hạn chế.

Đối mặt với vấn đề này, Bình Long đã triển khai thực hiện một số giải pháp tích cực nhằm chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp trong cơ cấu kinh tế của huyện, trên cơ sở bám sát quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, các quy hoạch ngành công nghiệp nông thôn. Trong đó, chú trọng quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch khu, cụm công nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư xúc tiến đầu tư trên địa bàn.

Đến thời điểm này, ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn huyện Bình Long tuy có bước phát triển nhưng còn chậm, chưa tương xứng với tiềm năng và thế mạnh của địa phương. Năm 2008, tỷ trọng công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp chỉ chiếm 13,2% trong cơ cấu kinh tế của huyện. Huyện Bình Long đề ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2010: nâng dần tỷ trọng công nghiệp dịch vụ lên 18,08% trong cơ cấu kinh tế của huyện.

Tập trung vào các lĩnh vực thế mạnh

Phòng Công Thương huyện đã phối hợp với Trung tâm khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh xây dựng đề án phát triển ngành nghề phù hợp với tình hình thực tế của địa phương. Trong đó tập trung vào một số lĩnh vực được xem là thế mạnh của địa phương như: sản xuất mộc mỹ nghệ, khảm trai, điêu khắc, chế biến hàng nông sản.

Năm 2008, Bình Long đã tổ chức được lớp tập huấn khảm trai, điêu khắc, đồng thời tham gia hội chợ quảng bá thương hiệu các mặt hàng mộc mỹ nghệ tại tỉnh Quảng Nam nhằm giới thiệu sản phẩm, tìm kiếm thị trường tiêu thụ, tạo đầu ra ổn định cho các cơ sở sản xuất công nghiệp trên địa bàn.

Tuy nhiên, để ngành công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn huyện phát triển một cách bền vững, việc chú trọng phát triển các ngành nghề được xem là thế mạnh của địa phương như: sản xuất vật liệu xây dựng, dệt may, chế biến hàng nông sản trên cơ sở áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật nhằm tạo ra những sản phẩm có chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu của thị trường trong và ngoài tỉnh được xem là một trong những nhiệm vụ quan trọng cần triển khai trước mắt.

Được biết, thời gian qua, một số cơ sở cơ khí trên địa bàn Bình Long đã mạnh dạn đầu tư hàng tỷ đồng để mua sắm thiết bị máy móc hiện đại phục vụ cho việc gia công, chế tạo các sản phẩm cơ khí phục vụ nông dân.
 

Theo Báo Công thương