Với việc triển khai các hoạt động khuyến công, nhất là nội dung tổ chức đào tạo nghề và hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị của Trung tâm Khuyến công Bình Thuận (Trung tâm) đã góp phần tạo động lực cho các cơ sở công nghiệp nông thôn mạnh dạn đầu tư máy móc thiết bị tiên tiến, hiện đại cũng như đào tạo được lực lượng lao động có tay nghề cho các cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh Bình Thuận thời gian qua.



Chỉ tính riêng năm 2013, Trung tâm đã xây dựng và được Bộ Công Thương phê duyệt 04 đề án, gồm: 02 đề án đào tạo nghề 02 đề án hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến, với tổng kinh phí là 674,98 triệu đồng (QĐ số 7768/QĐ-BCT ngày 18/12/2012). Bên cạnh đó, UBND tỉnh cũng đã phê duyệt hỗ trợ 2 đề án hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị sản xuất gạch mài Terrazzo của Công ty TNHH Tài Chính huyện Tuy Phong và đề án hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị sản xuất bánh của hộ kinh doanh bánh Mỹ Phương tại thị xã Lagi. Ngoài ra, Trung tâm còn phối hợp Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam chi nhánh Bà Rịa – Vũng Tàu tổ chức 06 khóa học khởi sự doanh nghiệp sản xuất công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp cho 180 học viên là học sinh, sinh viên sắp ra trường trên địa bàn tỉnh Bình Thuận.

 

Nhìn chung, việc triển khai thực hiện các chương trình khuyến công về tổ chức đào tạo nghề và hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến trong dây chuyền sản xuất trong những năm qua có nhiều chuyển biến tích cực. Các hoạt động này được đánh giá là đã thực hiện hỗ trợ đúng hướng, góp phần cho công tác phát triển ngành nghề và cần nhiều lao động ở nông thôn như may công nghiệp và mộc dân dụng. Các chương trình khuyến công đã có tác động đáng kể đến kinh tế xã hội tại các địa phương trong tỉnh, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho người lao động ở nông thôn, nhất là tận dụng thời gian nông nhàn trong sản xuất nông nghiệp; giúp cho các cơ sở CNNT mạnh dạn đầu tư công nghệ mới thay thế công nghệ lạc hậu để tạo ra nhiều sản phẩm có thiết kế và kỹ thuật chất lượng, năng suất cao đáp ứng được yêu cầu của khách hàng trong và ngoài nước.

 

Tuy nhiên, trong công tác triển khai hỗ trợ đào tạo nghề và hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến vẫn còn nhiều hạn chế do xuất phát từ nhu cầu cụ thể của từng doanh nghiệp đối với việc thực hiện các quy định của chính sách. Việc hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến còn bị động, các doanh nghiệp chưa tiếp cận được nhiều nguồn kinh phí từ chương trình khuyến công; công tác đào tạo nghề tập trung chủ yếu vào nghề may công nghiệp nhưng công tác chiêu sinh các học viên còn gặp nhiều khó khăn nên không chủ động đào tạo được theo như kế hoạch đề ra.

 

 Để nâng cao hiệu quả hơn nữa công tác khuyến công, thời gian tới, Trung tâm phối hợp chặt chẽ hơn nữa với các các cơ quan ban, ngành trong tỉnh và các địa phương tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và tư vấn trực tiếp tại các cơ sở CNNT có nhu cầu; Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan báo, đài của Trung ương và địa phương để tuyên truyền các chính sách khuyến công đến với các cơ sở CNNT trên địa bàn tỉnh. Tổ chức các lớp tập huấn nâng cao năng lực quản lý công tác khuyến công cho cán bộ quản lý khuyến công; Tiếp tục đẩy mạnh việc hỗ trợ đào tạo nghề và hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị cho các cơ sở CNNT đối với các ngành, nghề, lĩnh vực có sản phẩm lợi thế của địa phương nhằm tạo điều kiện cho các lao động nông thôn có việc làm và thu nhập ổn định đồng thời khuyến khích hỗ trợ các cơ sở CNNT mạnh dạn đầu tư các máy móc thiết bị tiên tiến, hiện đại nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng sản phẩm, tăng sức cạnh tranh để góp phần vào việc phát triển CNNT của tỉnh Bình Thuận.

 

CTV.