Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Bình Thuận có 02 siêu thị và 136 chợ, trong đó có 18 chợ được xây dựng kiên cố, 60 chợ bán kiên cố, 58 chợ còn lại là các chợ chưa có công trình chợ (chợ tạm) đang hoạt động phục vụ nhu cầu mua bán, trao đổi của người dân. Tuy nhiên, việc phát triển mạng lưới chợ thời gian qua còn một số hạn chế, bất cập như sự phân bố chưa hợp lý về số lượng, khoảng cách và quy mô dân số phục vụ, chợ phát triển tự phát, mua bán lấn chiếm vỉa hè, lòng lề đường gây cản trở giao thông, phần lớn các chợ tại các xã khu vực nông thôn đều đã hư hỏng, xuống cấp, không đảm bảo các điều kiện vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, phòng chống cháy nổ,… cần thiết phải được điều chỉnh, quy hoạch lại để hoạt động của các chợ hiệu quả hơn.
Với mục tiêu là cải tạo và xây dựng mới chợ, trung tâm thương mại, siêu thị để sắp xếp lại việc kinh doanh của các tiểu thương được thuận lợi, đáp ứng nhu cầu mua bán của nhân dân và du khách theo hướng văn minh, hiện đại, góp phần thu ngân sách địa phương. Tỉnh cũng xác định quan điểm phát triển chợ, trung tâm thương mại, siêu thị là phải xuất phát từ nhu cầu thực tế, đồng thời phải bảo đảm hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội; việc đầu tư phát triển chợ phải theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, “lấy chợ nuôi chợ” Nhà nước chỉ hỗ trợ một phần kinh phí đầu tư chợ ở những khu vực khó khăn, khuyến khích mọi thành phần kinh tế đầu tư kinh doanh chợ, trung tâm thương mại, siêu thị.
Theo quy hoạch đến năm 2020, trên địa bàn tỉnh sẽ có 157 chợ, trong đó có 150 chợ kinh doanh tổng hợp, 04 chợ chuyên doanh hải sản và 03 chợ đầu mối nông sản, hải sản. Ngoài 02 siêu thị hiện có, quy hoạch phát triển thêm 05 trung tâm thương mại và 15 siêu thị, định hướng đến năm 2020 có xét đến năm 2025 sẽ có tổng số 05 trung tâm thương mại và 17 siêu thị trên địa bàn. Để thực hiện quy họach, cần huy động khoảng 4.616 tỷ đồng trong cả thời kỳ quy hoạch 2012 - 2020 để phát triển mạng lưới chợ, trung tâm thương mại, siêu thị; trong đó nguồn vốn từ ngân sách Nhà nước khoảng 240 tỷ (vốn ngân sách trung ương khoảng 117 tỷ, địa phương 123 tỷ) và vốn đầu tư từ các thành phần kinh tế khác khoảng 4.376 tỷ đồng.
UBND tỉnh cũng phân công Sở Công Thương và các sở ngành có trách nhiệm phối hợp với UBND các huyện, các BQL chợ, doanh nghiệp kinh doanh chợ trên địa bàn hướng dẫn triển khai và tổ chức thực hiện quy hoạch theo các nội dung và lộ trình cụ thể đã được phê duyệt.
TT Khuyến công tỉnh Bình Thuận