Trong 5 năm, chương trình khuyến công đã hỗ trợ tổ chức đào tạo nghề cho 4.234 lao động, với tổng kinh phí là 2.034 triệu đồng; Tổ chức các khóa đào tạo khởi sự và nâng cao năng lực quản lý cho 308 học viên; Xây dựng 11 mô hình trình diễn kỹ thuật trong các lĩnh vực: sản xuất tiểu thủ công nghiệp, chế biến nông lâm thủy sản, sản xuất hàng tiêu dùng; Hỗ trợ 21 đề án ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến vào sản xuất; Hỗ trợ kinh phí lập quy hoạch chi tiết cho 1 cụm CN-TTCN với tổng kinh phí 164,9 triệu đồng.
Nguồn kinh phí khuyến công địa phương đã được sử dụng hiệu quả thông qua chương trình đào tạo nghề, truyền nghề và phát triển nghề cho gần 3000 lao động trong các nghề dệt thổ cẩm, gốm truyền thống và gốm mỹ nghệ của đồng bào dân tộc Chăm, K’ho, đan lục bình bẹ chuối, nghề may công nghiệp, nghề tách nhân hạt điều, chế tác gỗ thủ công mỹ nghệ. Hỗ trợ các đề án tạo sản phẩm phục vụ du lịch và sử dụng nguồn nguyên liệu của địa phương, các nhóm nghề giải quyết nhiều việc làm cho lao động, đồng thời hỗ trợ du nhập các nghề mới như: sản phẩm gốm mỹ nghệ tại làng nghề gốm Bàu Trúc, gốm đỏ xuất khẩu, đúc tượng đá mỹ nghệ… Đặc biệt, Trung tâm khuyến công tỉnh đã phối hợp với Viện Cơ điện nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch, Trung tâm hỗ trợ nông dân tỉnh thực hiện mô hình chuyển giao công nghệ nấu rượu điều cho 46 hộ gia đình trong tỉnh. Ngoài ra, kinh phí khuyến công địa phương còn hỗ trợ cho 45 doanh nghiệp tham gia hội chợ triển lãm trong và ngoài tỉnh, hỗ trợ in 1.500 tập gấp thông tin quảng bá thương hiệu tranh cát Phi Long, hỗ trợ Hiệp hội hàng thủ công mỹ nghệ - đồ gỗ tỉnh in 1.500 tập gấp giới thiệu sản phẩm thủ công mỹ nghệ phục vụ du lịch.
Đánh giá về kết quả hoạt động khuyến công trong 5 năm qua, ông Nguyễn Văn Dũng – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận nhận định, công tác đào tạo nghề từ chương trình khuyến công đã đạt được kết quả bước đầu tích cực giúp các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn ổn định và phát triển sản xuất, góp phần tạo việc làm cho lao động nông thôn, sử dụng được thời gian nông nhàn trong sản xuất nông nghiệp. Các mô hình xây dựng đảm bảo được tính mới về sản phẩm và công nghệ sản xuất. Các đề án cải tiến mẫu mã bao bì, in tập gấp giới thiệu sản phẩm đã phát huy hiệu quả, tạo ra đặc trưng cho sản phẩm của doanh nghiệp, làm phong phú thêm chủng loại mặt hàng phục vụ du lịch, đồng thời có ảnh hưởng tích cực đối với du lịch của tỉnh.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả khả quan vẫn còn một số tồn tại cần giải quyết trong thời gian tới như: học viên bỏ nghề sau đào tạo, đầu ra của sản phẩm còn khó khăn do công tác quảng bá tiêu thụ sản phẩm chưa hiệu quả, hay tổ chức xây dựng các mô hình trình diễn còn gặp khó khăn do nhiều doanh nghiệp không đủ điều kiện về vốn để ứng dụng…
Để hoạt động khuyến công thực sự đem lại hiệu quả, trong thời gian tới ngành Công Thương Bình Thuận chủ chương tiếp tục triển khai thực hiện tốt chính sách khuyến công và biện pháp trợ giúp cho các các cơ sở sản xuất CN-TTCN. Trong đó, ưu tiên đẩy mạnh thực hiện chương trình phát triển các sản phẩm công nghiệp có lợi thế và chương trình chế biến hàng xuất khẩu; Huy động các nguồn lực trong và ngoài tỉnh tham gia đầu tư sản xuất CN-TTCN và các dịch vụ khuyến công ở nông thôn.
Năm 2010, hoạt động khuyến công sẽ tiếp tục thực hiện các đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Đẩy mạnh các hoạt động khuyến công đến tận các điểm xã nông thôn. Hỗ trợ cho các cơ sở CNNT các kỹ năng quản trị doanh nghiệp nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh, phát triển bền vững. Hỗ trợ lập dự án, kế hoạch sản xuất kinh doanh, thành lập mới các doanh nghiệp CN-TTCN. Thực hiên xây dựng các mô hình trình diễn kỹ thuật và chuyển giao công nghệ cho các cơ sở chế biến nông lâm thủy sản, sản xuất sản phẩm phục vụ tiêu dùng, các cơ sở sử dụng nguồn nguyên liệu có sẵn của địa phương. Triển khai chương trình phát triển sản phẩm CNNT tiêu biểu thông qua việc tổ chức, tham gia các hội chợ triển lãm, đăng ký thương hiệu sản phẩm./.
Đinh Lan