Ngày 21/11, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã làm việc với Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA), Hiệp hội hồ tiêu Việt Nam và Hội mỹ nghệ và chế biến gỗ TP.HCM (Hawa).


Ông Trương Thanh Phong, Chủ tịch VFA cho biết: Xuất khẩu gạo của Việt Nam 10 tháng đầu năm 2012 đạt 6,5 triệu tấn, tăng gần 6,5% so với 6,1 triệu tấn trong cùng kỳ năm ngoái. Chỉ tính riêng trong tháng 10/2012, Việt Nam xuất khẩu 646.197 tấn gạo. Đây là tháng có lượng gạo xuất khẩu thấp nhất kể từ tháng 4 năm nay, cụ thể: Thấp hơn tháng 9 khoảng 14% (750.000 tấn) và thấp hơn tháng 8 khoảng 30% (930.000 tấn).

Giá trung bình xuất khẩu vẫn tăng trong vài tháng qua, tháng 10/2012 đạt mức 445 USD/tấn, tăng gần 1% so với tháng 9 (440 USD/tấn) và khoảng 12,6% so với tháng 7 (395 USD/tấn). Tuy nhiên, giá gạo xuất khẩu trung bình hiện nay vẫn thấp hơn khoảng 19% so với mức cao kỷ lục 548 USD/tấn của tháng 10/2011. Mục tiêu xuất khẩu gạo của Việt Nam năm nay là 7,5 triệu tấn, tăng gần 6% so với 7,1 triệu tấn của năm 2011.

Tuy nhiên, khó khăn của nhiều doanh nghiệp (DN) xuất khẩu gạo hiện nay là thiếu hợp đồng với số lượng lớn, xuất khẩu chủ yếu thông qua hợp đồng thương mại, số lượng nhỏ, giá thấp và rủi ro cao. Dự kiến năm 2013, xuất khẩu gạo sẽ gặp nhiều khó khăn hơn do nguồn cung dồi dào, nhu cầu sụt giảm, đồng thời có sự cạnh tranh gay gắt giữa các nguồn cung (Thái Lan, Việt Nam, Ấn Độ, Pakistan và Myanmar). Hiện các DN xuất khẩu gạo đang trong tình trạng thiếu hợp đồng gối đầu trong quý I/2013.

Để giải quyết khó khăn, VFA kiến nghị: Bộ Công Thương tăng cường công tác xúc tiến thương mại cấp quốc gia, nhất là với các nước khu vực châu Phi có nhu cầu nhập khẩu gạo thường xuyên để ký kết các thỏa thuận thương mại gạo theo các hợp đồng Chính phủ, hạn chế mua bán thương mại qua trung gian. Nhà nước nên tạo điều kiện tín dụng thông thoáng và giảm lãi suất để giúp DN kinh doanh xuất khẩu.

Ông Đỗ Hà Nam- Chủ tịch Hiệp hội hồ tiêu Việt Nam- cho biết, tính đến hết tháng 10/2012, cả nước đã xuất khẩu được 102.759 tấn hồ tiêu, trị giá 697 triệu USD. Giá xuất khẩu bình quân tiêu đen 6.382 USD/tấn, tiêu trắng 9.229 USD/tấn, mức tăng tương ứng tiêu đen 1.016 USD/tấn, tiêu trắng 1.427 USD/tấn so với cùng kỳ năm 2011. Hiện Mỹ vẫn là quốc gia nhập khẩu lớn nhất hồ tiêu tưViệt Nam với 14.226 tấn, chiếm 13,8%. Ảrập, Đức, Hà Lan, Singapore, Ấn Độ và Ai Cập nhập khẩu nhiều hồ tiêu Việt Nam. Về tiêu trắng, Đức là thị trường nhập khẩu nhiều nhất với 3.371 tấn, tiếp theo là Hà Lan 2.040 tấn và Mỹ 1.517 tấn.

Theo ông Nam, do giá tiêu trong thời gian qua luôn ở mức cao nên người trồng tiêu đã lạm dụng hóa chất để tăng năng suất, điều này sẽ rất nguy hiểm cho sự phát triển bền vững của cây trồng và an toàn vệ sinh thực phẩm, ảnh hưởng tới hình ảnh hồ tiêu Việt Nam trên thị trường quốc tế. Ngoài ra, hoạt động xúc tiến thương mại cho hồ tiêu còn chưa được quan tâm thỏa đáng, DN chỉ quan tâm vào một số thị trường truyền thống, không mở rộng thị trường mới. Do vậy, Hiệp hội hồ tiêu kiến nghị Bộ Công Thương quan tâm hỗ trợ hoạt động xúc tiến thương mại của ngành hồ tiêu, tạo điều kiện cho DN có điều kiện mở rộng thị trường thông qua các hội chợ, triển lãm quốc tế.

Hiệp hội mỹ nghệ và chế biến gỗ TP.HCM phản ánh nhiều khó khăn của ngành gỗ hiện nay, trong đó nổi bật là lãi suất ngân hàng, căng thẳng nguồn nguyên liệu và quá ít kinh phí trong việc thực hiện các chương trình xúc tiến thương mại để mở rộng thị trường, v.v...

Thứ trưởng Trần Tuấn Anh đã ghi nhận tất cả các vướng mắc và kiến nghị mà các hiệp hội đã nêu, trên cơ sở đó, Bộ Công Thương sẽ tổng hợp và báo cáo Thủ tướng Chính phủ các chính sách, giải pháp để tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh xuất khẩu.

Khó khăn của nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gạo hiện nay là thiếu hợp đồng với số lượng lớn, xuất khẩu chủ yếu thông qua hợp đồng thương mại, số lượng nhỏ, giá thấp và rủi ro cao.

 

Nguồn: Báo Công Thương