“Tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp” là chủ đề chính của Hội nghị Giám đốc Sở Công Thương các tỉnh, TP vùng Đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung bộ diễn ra tại TP.Hạ Long ngày 16/10 vừa qua. Hội nghị do Bộ Công Thương phối hợp với UBND tỉnh Quảng Ninh tổ chức.


Chung tay tháo gỡ

Theo Báo cáo tại Hội nghị, hiện nay, toàn vùng có trên 124.800 doanh nghiệp công thương nhỏ và vừa. Nhìn chung, các doanh nghiệp đều gặp khó khăn do thiếu vốn đầu tư sản xuất, thị trường tiêu thụ bị thu hẹp, giá cả biến động khó dự báo. Nhiều sản phẩm thế mạnh của vùng như sắt thép, bia, khai thác đá… sụt giảm nghiêm trọng. Một số sản phẩm có mức tồn kho tăng cao như: than, phân hỗn hợp NPK, bia đóng chai, chỉ khâu các loại, đồ uống không cồn, bột giấy, giấy và bìa, xi măng...

 

Để hỗ trợ các DN tháo gỡ khó khăn, nhiều địa phương đã chủ động gặp gỡ các DN đế lắng nghe và có giải pháp kịp thời giải quyết những vướng mắc. Sở Công Thương Quảng Ninh đã đề xuất hỗ trợ, đình, hoãn, giảm thuế cho hơn 1.000 DN, tổ chức 3 hội nghị lớn bàn giải pháp tiêu thụ sản phẩm. Sở Công Thương Hà Nội hỗ trợ DN triển khai đưa hàng về nông thôn gắn với chương trình giới thiệu và bán hàng của DN có uy tín, giúp DN nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm.

 

Nhà nước hỗ trợ, doanh nghiệp chủ động

 

Dù đã hết sức cố gắng tháo gỡ nhưng khó khăn vẫn bộn bề, doanh nghiệp vẫn rất cần sự hỗ trợ về cơ chế, chính sách từ phía các bộ, ngành Trung ương.Ông Nguyễn Mạnh Hà - Giám đốc Sở Công Thương Quảng Ninh cho biết, cơ chế chính sách về cụm công nghiệp trên địa bàn còn nhiều vướng mắc, dẫn đến khó khăn trong ưu đãi cho các DN. Mặc dù có thế mạnh xuất khẩu về chế biến hải sản và gỗ, nhưng hầu hết các DN ở Quảng Ninh chỉ chế biến thô nên vướng “vòng luẩn quẩn”: xuất “thô”, sang nước bạn “làm tinh”, rồi lại mang hàng “tinh” về đóng gói, rồi lại xuất đi. Chính vì vậy, cần tái cấu trúc, hỗ trợ DN chế biến sâu các mặt hàng xuất khẩu. Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Lê Hồng Thăng kiến nghị nhiều vấn đề liên quan đến bất cập của Luật DN và vấn đề điều hành tỷ giá để hỗ trợ cho hàng xuất khẩu, nhất là các mặt hàng thủ công mỹ nghệ của các làng nghề.

 

Bình ổn giá cũng là vấn đề được nhiều địa phương quan tâm, Ông Trần Nhật Tân – Giám đốc Sở Công Thương Hà Tĩnh cho rằng, bình ổn giá cần phải làm quyết liệt đồng bộ ở nhiều địa phương, nếu không sẽ gây hoang mang, làm mất lòng tin của người dân. Ví dụ: Hà Tĩnh đã niêm yết giá bán hàng hóa ở từng khu chợ chính nhưng các tỉnh khác lại không làm khiến người dân băn khoăn không biết giá bán mặt hàng ở đâu đúng. Sự khập khiễng về quản lý như vậy khiến chính sách không có sự nghiêm minh.

 

Ông Bùi Quang Hải – Phó giám đốc Sở Công Thương Hải Phòng cũng bày tỏ sự lo lắng về sản xuất kinh doanh của ngành xi măng, sơ sợi, thép, đóng tàu. Theo ông Hải, các DN rất cần sự hỗ trợ của Nhà nước trong việc cấp vốn, chính sách cho phát triển cơ khí và công nghiệp hỗ trợ. Ngoài ra, khó khăn của các DN FDI trong các khu công nghiệp cũng không được phân định rõ ràng. Đó là chưa kể những bất cập, chồng chéo phân cấp khi thẩm định các quy hoạch, dự án.

 

Hàng loạt vấn đề môi trường, nước xả thải không đủ tiêu chuẩn… được đưa ra mổ xẻ cũng có trách nhiệm của ngành Công Thương nhưng bất cập ở chỗ ngành Công Thương không được tham gia thẩm định dự án.Với mục tiêu thực hiện quyết liệt Chỉ thị 13/CT-BCT của Bộ Công Thương, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Nam Hải khẳng định sẽ từng bước đưa ra giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Thứ trưởng giao Cục Công nghiệp địa phương lên danh sách, cái gì cần tháo gỡ trước thì phải làm ngay; tạo cầu nối giữa cơ quan quản lý nhà nước và DN. Các Sở Công Thương quản lý DN theo cơ chế thị trường, không can thiệp quá sâu vào hoạt động của DN. Có như vậy, DN mới ở thế chủ động và tự chịu trách nhiệm.


 

Khánh Chi