Đến nay, cả nước có 615 cụm công nghiệp (CCN) đã đi vào hoạt động, thu hút được 56.700 lao động. Doanh nghiệp hoạt động trong các CCN chủ yếu là các doanh nghiệp vừa và nhỏ sản xuất tiểu, thủ công nghiệp, quy mô lao động nhỏ.

Qua khảo sát 1.200 doanh nghiệp dân doanh thì lao động bình quân của doanh nghiệp chỉ khoảng 90 người. Tỷ lệ người lao động có giao kết hợp đồng lao động bằng văn bản chỉ đạt khoảng 60% - 70%, trong đó lao động ký hợp đồng theo mùa vụ hoặc công việc có thời hạn dưới 12 tháng chiếm đến 30% - 40%.

Tiền lương thu nhập bình quân của người lao động thấp hơn so với các khu vực khác. Năm 2013 tiền lương bình quân của người lao động đạt khoảng 4,6 triệu đồng/tháng, 6 tháng đầu năm 2014 đạt 4,8 triệu đồng/tháng, trong đó có tới 52% số người có mức tiền lương dưới 4 triệu đồng/tháng, tiền lương làm cơ sở đóng bảo hiểm xã hội bình quân đạt 3 triệu đồng/tháng. Số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc đạt khoảng 60%, bình quân khoảng 54 người/cụm.

Tuy nhiên, do tính chất đặc thù, các doanh nghiệp trong các CCN chủ yếu sử dụng lao động tại chỗ, ăn ở sinh hoạt tại gia đình nên phần lớn người lao động cũng bằng lòng với công việc họ đang làm. Để bảo đảm tiền lương, thu nhập cho người lao động trong các doanh nghiệp, Chính phủ ban hành Nghị định số 103/2014/NĐ-CP ngày 11/11/2014 quy định mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc ở doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, hộ gia đình, cá nhân và các cơ quan, tổ chức có thuê mướn lao động theo hợp đồng lao động có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2015, theo đó mức lương tối thiểu vùng tăng từ 13,2% đến 14,6% tùy theo từng vùng.


Hoạt động triển khai thực hiện Bộ luật lao động năm 2012 đã góp phần tích cực giảm bớt tình trạng thắc mắc, khiếu nại và tranh chấp lao động ở các doanh nghiệp trong các CCN. Tuy nhiên, trong thời gian qua, một số cuộc đình công không theo trình tự, thủ tục đã xảy ra trong các CCN ở Nghệ An, thành phố Hồ Chí Minh, Tiền Giang, Đồng Tháp, v.v... Nguyên nhân đình công chủ yếu thường là do sự thiếu hiểu biết của cả người sử dụng lao động và người lao động về pháp luật lao động (không thực hiện tăng lương theo quy định, yêu cầu cải thiện điều kiện làm việc, v.v...). Cơ quan quản lý nhà nước về lao động ở địa phương phối hợp với Công đoàn Ban quản lý các CCN và các đơn vị, tổ chức có liên quan trên địa bàn đã tích cực hỗ trợ giải quyết ổn thỏa các vụ việc tranh chấp lao động và đình công không theo trình tự, thủ tục.


Về an toàn, vệ sinh lao động: Tình trạng thiếu an toàn, vệ sinh lao động đang là vấn đề đáng quan tâm ở nhiều doanh nghiệp trong các CCN. Diện tích mặt bằng nhà xưởng chật hẹp. Điều kiện làm việc chưa được cải thiện, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp. Hiểu biết của cả chủ sử dụng lao động và người lao động về công tác an toàn, vệ sinh lao động còn rất nhiều hạn chế. Người lao động chưa có tác phong công nghiệp, chưa được huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động đầy đủ. Khá nhiều máy móc thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động đang được các các doanh nghiệp sử dụng nhưng chưa được đăng ký, kiểm định. Môi trường lao động hầu như chưa được đo kiểm. Các doanh nghiệp chưa chú ý bố trí nhân sự làm công tác an toàn vệ sinh lao động.


Trong khuôn khổ Chương trình quốc gia về an toàn - vệ sinh lao động 2011-2015, nhiều hoạt động thúc đẩy an toàn - vệ sinh lao động ở các doanh nghiệp trong các CCN đã được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chỉ đạo triển khai thực hiện. Hoạt động tuyên truyền, phổ biến giáo dục an toàn - vệ sinh lao động trong các CCN được hết sức coi trọng với nhiều hình thức phong phú như phân phát tờ rơi, biên soạn phổ biến tài liệu hướng dẫn, hỏi đáp, tư vấn qua các hệ thống phát thanh xã, phường, v.v… Các hoạt động phát động Tuần lễ quốc gia an toàn - vệ sinh lao động cũng được định hướng vào các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong các CCN. Một số hoạt động thí điểm các mô hình cải thiện điều kiện lao động trong các làng nghề, CCN đã được triển khai thực hiện như ở Phùng Xá (Thạch Thất, Hà Nội), Hương Mạc (Bắc Ninh), Ninh Vân (Ninh Bình), v.v… Thanh tra lao động các cấp cũng quan tâm tiến hành một số hoạt động tập huấn hướng dẫn công tác an toàn vệ sinh lao động và phòng ngừa rủi ro tại nơi làm việc trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở các CCN.


Tuy nhiên, trên thực tế, việc tuân thủ các quy trình, quy phạm an toàn - vệ sinh lao động chưa được thực hiện nghiêm túc. Theo báo cáo của các địa phương, nhiều vụ tai nạn lao động nghiêm trọng, gây chết người đã xảy ra trong các CCN. Theo thống kê của tỉnh Đồng Nai, năm 2013, trong số 484/947 doanh nghiệp trong các CCN báo cáo đã xảy ra 213 vụ tai nạn lao động, làm chết 2 người và 213 người bị thương nặng. Theo thống kê của tỉnh Bình Định, trong năm 2012, trong các CCN đã có 78 vụ tai nạn lao động xảy ra, làm chết 1 người và bị thương nặng 78 người.


Một số đề xuất tăng cường quản lý lao động, an toàn vệ sinh lao động trong CCN


Tiếp tục hoàn thiện hệ thống các biện pháp thúc đẩy đối thoại, thương lượng và ký kết thỏa ước lao động tập thể để bảo vệ quyền và lợi ích của người lao động, xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp, phòng ngừa và giải quyết có hiệu quả tranh chấp lao động tại nơi làm việc;


Đề xuất Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cần tiếp tục phối hợp với các cơ quan, tổ chức liên quan ở các cấp tăng cường và nâng cao chất lượng công tác phổ biến, giáo dục pháp luật lao động cho người sử dụng lao động và người lao động trong các CCN.


Cơ quan quản lý nhà nước về lao động ở các cấp địa phương tập trung đẩy mạnh công tác kiểm tra, thanh tra tình hình chấp hành pháp luật lao động, các quy chuẩn về an toàn - vệ sinh lao động và điều kiện làm việc cho người lao động ở các doanh nghiệp trong các CCN


Liên đoàn lao động ở các địa phương cần tăng cường thực hiện các biện pháp thúc đẩy thành lập tổ chức công đoàn cơ sở ở các doanh nghiệp trong các CCN.


Các Bộ, ngành và các cơ quan chức năng cần nghiên cứu triển khai áp dụng có hiệu quả các giải pháp hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong các CCN đầu tư nâng cao trình độ công nghệ, kỹ thuật, tổ chức quản lý thúc đẩy cải thiện điều kiện làm việc và tăng năng suất lao động của doanh nghiệp./.


 

Cục Công nghiệp địa phương (ARID)