Theo Quy chế quản lý cụm công nghiệp (CCN) ban hành kèm theo Quyết định số 105/2009/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Sở Công Thương là cơ quan đầu mối tham mưu giúp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quản lý nhà nước đối với CCN; UBND cấp huyện có trách nhiệm quản lý nhà nước đối với CCN trên địa bàn.


Tuy nhiên, Sở Công Thương, UBND cấp huyện mới chỉ thực hiện nhiệm vụ quản lý quy hoạch tổng thể phát triển CCN, thành lập CCN và báo cáo tình hình CCN. Sở Công Thương, UBND cấp huyện mặc dù là các cơ quan đầu mối nhưng Quy chế quản lý CCN không phân định rõ trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn, hỗ trợ cho các doanh nghiệp, tổ chức nhằm tạo thuận lợi trong việc giải quyết các thủ tục hành chính đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, sản xuất kinh doanh trong CCN. Trong quá trình tổng kết, đánh giá 5 năm thực hiện Quyết định số 105/2009/QĐ-TTg, đã nhận thấy đây là một bất cập, hạn chế cần được khắc phục.


Trên thực tế, để triển khai dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, sản xuất kinh doanh trong CCN, các doanh nghiệp phải thực hiện nhiều thủ tục hành chính, liên hệ với nhiều cơ quan nhà nước khác nhau (như: phê duyệt quy hoạch chi tiết do Sở Xây dựng thực hiện; chấp thuận chủ trương đầu tư, cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư do Sở Kế hoạch và Đầu tư thực hiện; phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường do Sở Tài nguyên và Môi trường thực hiện; chấp thuận phương án phòng cháy, chữa cháy do Công an cấp tỉnh thực hiện). Tình trạng này, chưa tạo điều kiện thuận lợi, tiết kiệm thời gian, kinh phí, cơ hội kinh doanh cho doanh nghiệp. 


 

Cần thực hiện nguyên tắc một đầu mối trong quản lý đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, sản xuất kinh doanh trong cụm công nghiệp

Mặt khác, đối tượng đầu tư sản xuất kinh doanh trong CCN hầu hết là doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, tổ hợp tác, cơ sở sản xuất nhỏ ở địa bàn nông thôn, năng lực tài chính, trình độ quản lý yếu; việc đi lại để nộp hồ sơ, giải quyết các thủ tục hành chính tại các Sở, ngành cấp tỉnh gặp rất nhiều khó khăn. Vì vậy, trong các cuộc hội thảo, lấy ý kiến đối với dự thảo Nghị định do Bộ Công Thương tổ chức, nhiều địa phương, doanh nghiệp đã kiến nghị giao UBND cấp huyện đầu mối tiếp nhận, giải quyết hoặc trình cơ quan có thẩm quyền giải quyết các thủ tục triển khai dự án đầu tư vào trong CCN.


Với các lý do nêu trên, việc quản lý đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật và sản xuất kinh doanh trong CCN ở địa phương theo nguyên tắc một đầu mối là hợp lý. Theo đó, Sở Công Thương đầu mối tiếp nhận, thẩm định, đề nghị cơ quan có thẩm quyền giải quyết các thủ tục hành chính triển khai dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật CCN; UBND cấp huyện đầu mối tiếp nhận, giải quyết hoặc trình cơ quan có thẩm quyền giải quyết các thủ tục hành chính triển khai dự án đầu tư vào trong CCN. Có như vậy mới khắc phục được bất cập, hạn chế của Quyết định số 105/2009/QĐ-TTg, phân định cụ thể trách nhiệm cơ quan đầu mối quản lý CCN ở địa phương, thực hiện nguyên tắc mỗi nhiệm vụ chỉ giao một cơ quan đầu mối giải quyết, chịu trách nhiệm; đồng thời tạo điều kiện thuận lợi, tiết kiệm kinh phí, thời gian, cơ hội kinh doanh cho doanh nghiệp trong triển khai dự án đầu tư. Nguyên tắc này không trái các quy định của pháp luật chuyên ngành (như về đầu tư, xây dựng, bảo vệ môi trường, phòng cháy, chữa cháy); các hồ sơ, thủ tục triển khai dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật, sản xuất kinh doanh trong CCN vẫn được thực hiện một cách chặt chẽ.


 

Nguyễn Văn Thịnh - Trưởng phòng QLCCN (ARID -MOIT)