Trên cơ sở Quyết định số 188/2004/QĐ-TTg ngày 1/11/2004 của Thủ tướng Chính phủ về “Phê duyệt Quy hoạch phát triển công nghiệp thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2010, có tính đến năm 2020”, ngày 22/10/2007 UBND TP. Hồ Chí Minh đã có Quyết định số 4809/QĐ-UBND “điều chỉnh cục bộ quy hoạch xây dựng các cụm công nghiệp (CCN) địa phương thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2020, có tính đến năm 2025”. Theo đó, Thành phố được quy hoạch 30 CCN với tổng diện tích 1.900ha.


Ưu tiên phát triển cụm công nghiệp chuyên ngành, công nghiệp hỗ trợ
 

Thời gian qua, các CCN của Thành phố góp phần đáng kể vào phát triển kinh tế địa phương và góp phần đô thị hóa. Với việc hình thành nên các CCN, đã hỗ trợ thu hút đầu tư cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa; đặc biệt là sắp xếp, thu hút các cơ sở sản xuất, hợp tác xã, tổ hợp tác, các cá nhân, hộ gia đình trên địa bàn  đầu tư sản xuất, kinh doanh vào vùng quản lý tập trung nên thuận lợi trong công tác quản lý; tạo điều kiện cho việc tái cơ cấu công nghiệp cũng như khuyến khích liên kết giữa các đơn vị sản xuất; tạo thêm nhiều việc làm cho người lao động; sản xuất hàng hoá tiêu dùng nội địa và sản phẩm xuất khẩu tăng trưởng. Mặt khác, sản xuất trong các CCN đã tạo cơ hội cho việc tập trung thông tin, kiến thức - tiền đề cho việc cải tiến, đổi mới trong sản xuất, tạo môi trường cho chuyển giao công nghệ. Đồng thời, việc phát triển các CCN kết hợp với thực hiện Chương trình di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm đã giúp cho các doanh nghiệp ổn định đầu tư sản xuất, kinh doanh, đổi mới máy móc thiết bị  góp phần cải thiện môi trường chung của Thành phố.

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc xây dựng và phát triển các CCN của TP. Hồ Chí Minh thời gian qua cũng gặp nhiều khó khăn, không chỉ do tác động bởi tình hình suy thoái kinh tế thế giới và trong nước mà còn cả trong công tác quản lý nhà nước về CCN, quy hoạch tổng thể phát triển CCN cũng như công tác đầu tư.


Theo Quyết định số 47/2011/QĐ-UBND ngày 12/7/2011 của UBND TP. Hồ Chí Minh về Ban hành quy chế phối hợp quản lý nhà nước đối với CCN trên địa bàn, Sở Công Thương là cơ quan đầu mối nhưng thực tế chưa có sự tập trung, thống nhất về các lĩnh vực, do đó, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước về CCN bị hạn chế. Các quận huyện không thành lập Trung tâm phát triển CCN hoặc chưa giao đơn vị đầu mối quản lý  nên công tác kêu gọi chủ đầu tư (đối với các CCN chưa có chủ đầu tư) cũng như công tác quản lý và đầu tư hạ tầng CCN (đối với CCN hiện hữu) thực hiện không hiệu quả.


Công tác thu hút doanh nghiệp đầu tư kinh doanh hạ tầng CCN rất khó khăn, do chi phí bồi thường không đáp ứng được những yêu cầu của người dân làm ảnh hưởng đến công tác giải phóng mặt bằng và khó thu hồi đất. Cơ chế, chính sách hỗ trợ hiện nay chưa tạo được sức hút, thậm chí còn nhiều bất cập, trong khi đó đầu tư đòi hỏi vốn lớn, thời gian thu hồi chậm khiến doanh nghiệp không tích cực đầu tư xây dựng hạ tầng CCN. Việc hỗ trợ đầu tư xây dựng hạ tầng CCN chỉ được thực hiện theo Chương trình kích cầu của Thành phố (Quyết định số 50/2015/QĐ-UBND ngày 30/10/2015 đối với dự án xây dựng nhà máy xử lý nước thải cho CCN) và kinh phí khuyến công. Ngoài ra, việc thu hút và lựa chọn đơn vị kinh doanh hạ tầng cho các CCN đã có doanh nghiệp hiện hữu đang hoạt động từ trước gặp rất nhiều khó khăn vì đa số các doanh nghiệp này đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Giấy phép xây dựng, … Do đó, việc lập quy hoạch chi tiết xây dựng, công tác giải phóng mặt bằng và triển khai xây dựng hạ tầng bao gồm phần của các doanh nghiệp hiện hữu và phần đất còn lại theo quy hoạch không thuận lợi.


Với mục tiêu xây dựng và phát triển CCN trên địa bàn gắn với chuyển dịch cơ cấu kinh tế và chuyển đổi cơ cấu ngành công nghiệp theo hướng hạn chế phát triển theo chiều rộng, tập trung phát triển theo chiều sâu; ưu tiên phát triển các CCN chuyên ngành; công nghiệp hỗ trợ; kết hợp với đổi mới công nghệ, không gây ô nhiễm môi trường; căn cứ vào quy định quản lý, phát triển CCN cũng như hiện trạng sử dụng đất, TP. Hồ Chí Minh dự kiến xây dựng Quy hoạch phát triển CCN đến năm 2020 định hướng đến năm 2030 trên địa bàn chỉ còn 06 CCN, với  khả năng quản lý tập trung cao.


Theo đó, việc xây dựng và phát triển các CCN này đảm bảo phù hợp với định hướng phát triển công nghiệp, ngành công nghiệp của Thành phố, quận huyện có CCN; sử dụng hiệu quả quỹ đất, đáp ứng được nhu cầu phát triển sản xuất. Quy hoạch có tính khả thi, giải phóng mặt bằng thuận tiện để đầu tư ngay, tránh việc quy hoạch nhưng không có khả năng thực hiện; hạn chế tối đa việc sử dụng đất sản xuất nông nghiệp vào phát triển CCN, nếu sử dụng thì phải là đất nông nghiệp cằn cỗi, khai thác không hiệu quả. Đồng thời, xây dựng, phát triển CCN có tính chất ngành nghề phù hợp với điều kiện tự nhiên của từng khu vực và có sự tương đồng về ngành nghề với các KCN lân cận; gắn với việc di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm.


Thành phố sẽ tạo điều kiện kêu gọi đầu tư hình thành những CCN chuyên ngành gắn với công nghiệp hỗ trợ; thu hút các nguồn vốn đầu tư xây dựng và hoàn chỉnh hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật phục vụ phát triển các CCN từ nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước; tạo điều kiện cho công tác quản lý Nhà nước được hiệu quả; xây dựng kế hoạch từng giai đoạn cho phù hợp với tình hình phát triển công nghiệp Thành phố.


Ngọc Tú