Theo Quy hoạch (đã được Bộ Công Thương thỏa thuận) đến năm 2020, thành phố Hải Phòng có 26 cụm công nghiệp (CCN) với tổng diện tích 1.098 ha. Hiện tại, Thành phố đang chuẩn bị ban hành Quyết định phê duyệt quy hoạch phát triển CCN trên địa bàn đến năm 2020, định hướng đến năm 2025.


Thành phố Hải Phòng hiện có 05 CCN (Quán Trữ, Vĩnh Niệm, Tân Liên A, An Lão và Tàu thủy An Hồng), tổng diện tích 183,31 ha, đã được đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, với tổng vốn đầu tư thực hiện ước đạt gần 300 tỷ đồng, đã và đang thu hút các doanh nghiệp (DN) vào đầu tư sản xuất kinh doanh. Tại các CCN này, đơn vị kinh doanh hạ tầng đã cho thuê 117,49 ha/124,91ha, đạt tỷ lệ lấp đầy trung bình 94,06%. Cụ thể, thu hút được 80 doanh nghiệp đầu tư với tổng vốn đầu tư đăng ký là 4.507,83 tỷ đồng; giải quyết việc làm cho 14.457 lao động.  Trong 05 CCN đang hoạt động, chỉ có 03 CCN (Vĩnh Niệm, Tân Liên A, Tàu thủy An Hồng) đã được đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung và đi vào hoạt động, tuy nhiên hiệu quả hoạt động thấp do không có kinh phí vận hành hoặc đang tiếp tục đầu tư nâng cấp để đáp ứng tiêu chuẩn nước thải hoặc do doanh nghiệp thứ cấp đầu tư còn ít, lượng nước thải không nhiều nên ít vận hành. Đối với vấn đề xử lý chất thải rắn, 05 CCN này đều thực hiện việc thu gom chất thải rắn, trồng cây xanh.


Hiện nay, việc đầu tư hạ tầng kỹ thuật CCN trên địa bàn thành phố Hải Phòng được thực hiện theo hướng xã hội hóa, Thành phố chỉ hỗ trợ công tác giải phóng mặt bằng, bố trí tái định cư, rà phá bom mìn, cấp điện, nước đến chân hàng rào CCN.  Như: CCN Vĩnh Niệm và CCN Tân Liên A, Thành phố hỗ trợ đầu tư xây dựng theo phương thức ngân sách Thành phố ứng trước và thu hồi từ việc đóng góp của các doanh nghiệp thuê đất trong CCN; CCN thị trấn Tiên Lãng đã được Hội đồng nhân dân Thành phố Quyết định chủ trương đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật năm 2016 diện tích 50 ha với tổng vốn đầu tư 316 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách Thành phố với phương thức hỗ trợ như đối với 2 CCN trên, dự án dự kiến khởi công vào đầu năm 2017.


Thực hiện chủ trương xã hội hóa, công tác phát triển CCN thời gian qua của thành phố Hải Phòng đạt được nhiều kết quả khả quan. Với sự phát triển của CCN đã tạo ra công ăn việc làm ổn định cho người lao động của địa phương, tăng thu nhập cho người dân, chuyển đổi cơ cấu lao động từ nông nghiệp sang công nghiệp tạo sự chuyển biến mạnh công nghiệp hóa nông thôn,..


Đối với các CCN trên địa bàn Thành phố hình thành trước Quy chế quản lý CCN. Sở Công Thương Thành phố Hải Phòng đã tham mưu UBND Thành phố xử lý, kết quả như sau:


Với 05 CCN đã có quyết định phê duyệt quy hoạch chi tiết (QHCT) của cơ quan có thẩm quyền gồm các CCN: Vĩnh Niệm, An Lão, Tân Liên A, Quán Trữ, Tàu thủy An Hồng: 03 CCN: Tàu thủy An Hồng, Tân Liên A, Vĩnh Niệm đã được đầu tư xong hạ tầng kỹ thuật, đã xây dựng Trạm xử lý nước thải, cơ bản đã được lấp đầy diện tích CCN, trong đó CCN Tàu thủy An Hồng và CCN Tân Liên A (do chủ đầu tư hạ tầng CCN quản lý). Đối với CCN Vĩnh Niệm, hiện Thành phố đã giao cho UBND quận Lê Chân quản lý và dự kiến sau năm 2020 sẽ có phương án di dời hoặc chuyển mục đích sử dụng đất các doanh nghiệp trong CCN phù hợp với Quy hoạch phát triển kinh tế xã hội của Thành phố; 02 CCN An Lão và Quán Trữ: Theo Quy hoạch phát triển các CCN thành phố Hải Phòng đến năm 2020, định hướng đến năm 2025 thì 2 CCN này được đưa vào đối tượng điều chỉnh quy mô diện tích CCN (CCN An Lão sẽ quy hoạch điều chỉnh tăng diện tích từ 10,96ha lên 50ha; CCN Quán Trữ được điều chỉnh giảm diện tích từ 55,6ha xuống còn 46ha). Sau khi Quy hoạch phát triển các CCN thành phố Hải Phòng đến năm 2020, định hướng đến năm 2025 được UBND Thành phố phê duyệt, Sở Công Thương sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện các thủ tục thành lập CCN theo quy định.


Ngày 20 tháng 9 năm 2016, UBND Thành phố đã ban hành Quyết định số 2038/QĐ-UBND về việc bãi bỏ một số quyết định thành lập, phê duyệt quy hoạch, phê duyệt dự án đầu tư CCN trên địa bàn thành phố đối với 09 CCN đã được phê duyệt QHCT nhưng chưa được triển khai trên thực tế, không phù hợp với các quy định của Quy chế (do thời điểm đề xuất địa điểm quy hoạch xây dựng các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn Hải Phòng được thực hiện vào năm 2008 nhiều CCN có quy mô diện tích quá lớn, một số CCN được quy hoạch cùng với các khu dân cư hoặc không thể xác định được quy hoạch mặt bằng như CCN các thị tứ và các làng nghề truyền thống...).
Như vậy, đối với các CCN được hình thành trước khi Quy chế quản lý CCN có hiệu lực cơ bản đã được xử lý xong. Việc thành lập CCN đối với một số CCN đang hoạt động sẽ được thực hiện khi Quy hoạch phát triển các CCN thành phố Hải Phòng đến năm 2020, định hướng đến năm 2025 được UBND Thành phố phê duyệt.


Nguyễn Thị Hương