Đồng Nai là tỉnh nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao. Tốc độ tăng trưởng kinh tế tỉnh Đồng Nai chủ yếu phụ thuộc vào ngành công nghiệp và dịch vụ, đây là hai ngành chủ lực của tỉnh và chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu GDP của tỉnh.


Trong bối cảnh tỉnh Đồng Nai cùng cả nước hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, nhiệm vụ thúc đẩy phát triển hợp tác xã (HTX) là nhiệm vụ hết sức quan trọng mà Đảng và Nhà nước ta trong những thập kỷ qua đã có nhiều chủ trương, ban hành nhiều chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện cho khu vực kinh tế tập thể phát triển.


Tính đến nay trên địa bàn tỉnh Đồng Nai có 28 HTX công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp (CN-TTCN), tăng 01 HTX so với cùng kỳ năm 2014. Các HTX CN-TTCN hoạt động chủ yếu tập trung vào các ngành chính như mây tre đan, cơ khí lắp ráp và sửa chữa, may mặc, gốm sứ tiêu dùng và mỹ nghệ, gia công gỗ, đá… Trong số các HTX trên địa bàn tỉnh, đã có 12 HTX tổ chức lại theo Luật HTX 2012 và 9 HTX chưa chuyển đổi, 01 HTX CN-TTCN chuyển đổi sang hình thức doanh nghiệp. Các HTX CN-TTCN có tổng cộng 342 thành viên và hơn 1203 lao động. Đến hết quý I năm 2016, trên địa bàn tỉnh Đồng Nai có 18 HTX CN-TTCN được đánh giá xếp loại là hoạt động khá, 04 HTX CN-TTCN hoạt động trung bình, 4 HTX CN-TTCN chưa xếp loại và 2 HTX ngưng hoạt động và giải thể. Điển hình là HTX Đông Tây hoạt động với ngành nghề mua bán, xây xát bắp, trong 6 tháng đầu năm đã ký hợp đồng gia công xây xát cây bắp cho các trang trại trên địa bàn xã với doanh thu 120 triệu đồng, lợi nhuận 12 triệu đồng. Hiện HTX đã đầu tư thêm thiết bị, máy móc nhằm giảm thiểu chi phí sản xuất. HTX cũng xây dựng chuỗi liên kết cánh đồng lớn cây bắp giữa công ty-nông dân-HTX để tiêu thụ sản phẩm cây bắp trên địa bàn xã Xuân Đông, trong đó gồm 266 hộ dân, diện tích 171 ha. Ngoài ra, HTX vẫn đang tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm, liên kết với các doanh nghiệp trong và ngoài nước để tiêu thụ nguồn sản phẩm bắp ủ chua.


Nhìn chung, thông qua các hoạt động phối hợp tích cực giữa Sở Công Thương và Liên minh HTX tỉnh, các HTX đã từng bước tiếp cận và tham gia các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp của ngành Công Thương như xúc tiến thương mại, khuyến công, bình ổn giá, kinh doanh phát triển chợ … góp phần thúc đẩy sự phát triển của kinh tế tập thể. Ngoài ra, các HTX đã chú trọng nâng cao chất lượng hoạt động, nỗ lực đổi mới, củng cố tổ chức, từng bước khắc phục khó khăn. Hoạt động của đa số HTX tuân thủ theo đúng quy định của Luật HTX 2012, có định hướng phát triển, sản xuất kinh doanh rõ ràng, hoạt động ổn định, đạt hiệu quả, hình thành khối tài sản thuộc sở hữu của tập thể và thực hiện đầy đủ chính sách về thuế, giải quyết việc làm cho xã viên và người lao động, đặc biệt là lao động vùng sâu, vùng xa… Các dịch vụ HTX cung cấp đã giúp xã viên có công ăn, việc làm, thu nhập ổn định và đóng góp vào nguồn thu ngân sách của địa phương thông qua  nộp thuế.


Bên cạnh đó cũng không thể không đề cập đến các khó khăn của HTX trên địa bàn tỉnh, như: Đối với mô hình HTX quản lý, khai thác chợ thì một số HTX không kết nạp thêm thành viên là hộ kinh doanh để phát huy vai trò của các thành viên; không huy động được các nguồn vốn để đầu tư, sửa chữa, nâng cấp chợ. Như vậy các HTX chỉ dừng lại ở hoạt động quản lý, không khác so với Ban Quản lý chợ. Thứ hai, đối với nghĩa vụ tài chính, việc giao cho HTX quản lý, khai thác, kinh doanh chưa xác định nghĩa vụ tài chính về việc sử dụng tài sản của nhà nước; HTX chỉ nộp thuế GTGT và thuế thu nhập (nếu có). Do vậy, khi HTX kinh doanh các ngành nghề, mặt hàng khác thua lỗ thì phần lợi nhuận, khấu hao tài sản thu được từ các loại phí chợ được chuyển sang bù đắp, như vậy Nhà nước thất thu so với khi để Ban Quản lý chợ điều hành. Đa số các HTX sau khi nhận chuyển giao chợ còn lúng túng trong việc thực hiện khấu hao tài sản cố định được bàn giao. Ngoài ra, một số HTX còn chưa tích cực tham gia các chương trình của Sở Công Thương như Chương trình bình ổn giá, thực hiện chuỗi liên kết cánh đồng lớn, các chương trình xúc tiến thương mại, khuyến công. Việc vận dụng Luật HTX 2012 và các văn bản hướng dẫn tại một số HTX còn chậm, năng lực hoạt động chưa thích ứng kịp với yêu cầu của nền kinh tế thị trường. Công tác cung cấp thông tin về tình hình hoạt động kinh doanh (số liệu đánh giá chất lượng hoạt động của các HTX, doanh thu, quy mô sản xuất …) của các HTX chưa kịp thời, đầy đủ, thường xuyên nên khó khăn cho công tác quản lý Nhà nước của các Sở chuyên ngành.


Một số nguyên nhân dẫn đến những khó khăn, vướng mắc nêu trên phải kể đến việc một số xã viên chưa thực sự tin tưởng vào mô hình HTX, do tình hình kinh doanh của một số HTX không phát triển thêm qua các năm, tỷ lệ chia lãi năm sau không cao hơn năm trước. Ấn tượng không tốt về kinh tế tập thể kiểu cũ trong nhân dân và một số cán bộ còn khá nặng, lợi ích của xã viên và sức mạnh của cộng đồng chưa được thể hiện trong những phương án kinh doanh, từ đó chưa huy động được vốn, nguồn lực của xã viên để nâng cao sức cạnh tranh của kinh tế tập thể trong nền kinh tế thị trường. Bên cạnh đó, công tác kiểm tra, giám sát việc thành lập các HTX chưa chặt chẽ dẫn đến một số HTX được thành lập nhưng không triển khai hoạt động hoặc hoạt động yếu kém, không mang lại hiệu quả phải giải thể. Chính sách hỗ trợ phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể mặc dù được quan tâm, nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu. Các tổ hợp tác, HTX vẫn còn nhiều khó khăn về vốn đầu tư do chỉ mới tiếp cận vốn từ Quỹ trợ vốn của Liên minh HTX tỉnh, việc vay vốn từ các tổ chức tín dụng, ngân hàng còn gặp nhiều khó khăn, cần có sự tác động của các cơ quan Nhà nước ở địa phương.


NHẬT LINH