Quảng Ninh là một trong những địa phương đi đầu trên cả nước trong việc thực hiện chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm” (OCOP). Sau gần 3 năm triển khai, đã khẳng định hướng đi đúng đắn của tỉnh Quảng Ninh, đặc biệt, thành công lớn nhất mà Chương trình mang lại là việc liên kết sản xuất - nền tảng quan trọng của sản xuất hàng hóa tập trung.


Quảng Ninh hiện có 119 đơn vị (33 doanh nghiệp, 35 hợp tác xã (HTX), 51 tổ hợp tác (trong đó có 10 doanh nghiệp, 18 HTX, 27 tổ hợp tác mới thành lập)), tổ chức, cá nhân sản xuất tham gia OCOP. Phần lớn các mô hình kinh tế này đều có sự liên kết chặt chẽ giữa sản xuất và tiêu thụ nông sản. Điển hình như mô hình hoạt động của HTX Dịch vụ nông nghiệp chất lượng cao Hoa Phong (TX Đông Triều), nông dân cho HTX thuê đất, đồng thời trực tiếp tham gia sản xuất hoa màu trên diện tích đất đó. HTX chịu trách nhiệm cung ứng vật tư và toàn bộ khâu chế biến, tiêu thụ sản phẩm; HTX Phát triển Xanh (huyện Bình Liêu) không chỉ có khôi phục hội nghề sản xuất rượu men lá, mở rộng diện tích trồng dược liệu, mà còn kết nối các hội viên và các hộ sản xuất cùng tham gia nuôi trồng, chế biến, tiêu thụ các sản phẩm men lá, miến dong, dầu sở,...


Việc thực hiện chương trình OCOP của Quảng Ninh đã tăng cường sự liên kết giữa “4 nhà” (Nhà nông - Nhà nước - Nhà khoa học - Nhà doanh nghiệp). Mô hình của Công ty TNHH Nuôi trồng, sản xuất và chế biến dược liệu Đông Bắc (TP. Cẩm Phả) là một trong những điển hình về sự liên kết chặt chẽ này. Công ty đã triển khai các dự án hợp tác liên kết sản xuất với hàng trăm hộ nông dân tại huyện Tiên Yên và huyện Bình Liêu với diện tích 12ha. Toàn bộ diện tích này, khi các hộ nông dân bắt đầu triển khai sản xuất đều được Công ty cung ứng giống cây dược liệu chất lượng tốt và trả chậm hoặc khấu trừ vào sản phẩm. Người dân bỏ công chăm sóc dược liệu; Công ty cung cấp giống cây, hướng dẫn kỹ thuật, bao tiêu sản phẩm theo giá cả thị trường,... Công ty còn cam kết bao tiêu 100% sản phẩm tại các vùng liên kết sản xuất với giá cạnh tranh và ổn định trong thời gian ít nhất 3 năm. Đồng thời, thông qua chương trình OCOP, các địa phương, doanh nghiệp đã và tiếp tục nhận được sự hỗ trợ của các nhà khoa học, cơ quan quản lý. Tiêu biểu có thể kể đến sản phẩm tỏi đen của HTX Nông - Lâm - Ngư nghiệp Thái An (TP. Móng Cái), ...


Bên cạnh đó, việc quảng bá các sản phẩm OCOP cũng được tỉnh Quảng Ninh chú trọng. Tỉnh đã quy hoạch 21 trung tâm, điểm bán hàng các sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh, tập trung tại các điểm du lịch, khu đông dân cư thuận tiện về giao thông, thương mại nhằm đưa các sản phẩm OCOP đến gần hơn với người tiêu dùng. Điển hình như Trung tâm OCOP TP. Uông Bí thu hút hàng nghìn lượt người mua sắm, doanh thu đạt từ 200-300 triệu đồng/ tháng, được đánh giá là Trung tâm OCOP đạt hiệu quả nhất trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.


Ngoài ra, sản phẩm OCOP còn được giới thiệu trực tiếp tại các chương trình hoạt động lớn của địa phương, của vùng, của khu vực và quốc tế như: Hội chợ thương mại ASEAN tại Nam Ninh (Trung Quốc), Triển lãm quốc tế công nghiệp thực phẩm Việt Nam 2015 (TP Hồ Chí Minh), Lễ hội Hoa anh đào - Mai vàng Yên Tử, Hạ Long 2016,...


Cùng với việc triển khai các chương trình: Chương trình hỗ trợ xây dựng và phát triển thương hiệu nông sản, chương trình Xây dựng nông thôn mới, Chương trình mỗi xã phường một sản phẩm (OCOP), Chương trình khuyến công…, tỉnh Quảng Ninh đang từng bước khai thác các tiềm năng và thế mạnh của địa phương, xây dựng các mô hình chuỗi liên kết sản xuất - phân phối - tiêu dùng; hình thành mạng lưới kết nối sản xuất, kinh doanh, dịch vụ kết hợp với các hoạt động xây dựng, phát triển thương hiệu nhằm tạo lập, phát triển mở rộng thị trường cho các sản phẩm của Tỉnh phát triển bền vững.


Anh Ngọc