Giai đoạn 2011 - 2015, ngành Công nghiệp Cao Bằng có những bước phát triển đáng kể, đã khai thác được một số tiềm năng thế mạnh và có hướng đi đúng, phù hợp với quá trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

 

Trong giai đoạn này, một số nhà máy sản xuất công nghiệp truyền thống vẫn duy trì được hoạt động sản xuất; một số dự án đầu tư từ giai đoạn trước tiếp tục được triển khai thực hiện hoàn thành đưa vào hoạt động sản xuất như: Nhà máy sản xuất Feromangan Bản Gủn, Hòa An; Nhà máy thủy điện Bản Rạ, Trùng Khánh; Nhà máy thủy điện Thoong Gót II, Trùng Khánh; Nhà máy sản xuất tinh bột sắn Chu Trinh; Nhà máy chế biến trúc, Nguyên Bình; Nhà máy sản xuất gang thỏi. Các dự án trọng điểm của tỉnh tiếp tục được triển khai thực hiện.


Giá trị sản xuất công nghiệp (giá so sánh năm 2010): Năm 2011 đạt 1.947,9 tỷ đồng; năm 2014 đạt 1.993 tỷ đồng; năm 2015 ước đạt 2.252 tỷ đồng. Tăng trưởng bình quân giai đoạn 2011 - 2015 ước đạt 0,44%; tốc độ tăng trưởng bình quân giá trị gia tăng công nghiệp mới đạt 6,87%/năm. Trong đó: công nghiệp khai khoáng tăng trưởng bình quân giai đoạn 2011- 2015 là 0,9%/ năm; Công nghiệp sản xuất và phân phối điện, khí đốt tăng trưởng bình quân giai đoạn 2011- 2015 là 19,5%/ năm; công nghiệp cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải tăng trưởng bình quân giai đoạn 2011- 2015 là 7,95%/năm.


Các sản phẩm chủ yếu phục vụ sản xuất và tiêu dùng truyền thống được duy trì sản xuất và đáp ứng nhu cầu cho thị trường địa phương như: Gạch đất nung các loại, xi măng, đường kính, chiếu trúc, sản phẩm gỗ, Feromangan các loại, gang thỏi, tinh quặng chì kẽm, đá, cát sỏi, điện sản xuất tại địa phương.


Cơ cấu công nghiệp theo thành phần kinh tế dịch chuyển theo hướng tích cực, khu vực nhà nước giảm dần tỷ trọng và tăng dần tỷ trọng của khu vực ngoài nhà nước qua các năm. Tỷ trọng giá trị sản xuất công nghiệp của khu vực doanh nghiệp nhà nước/khu vực ngoài nhà nước qua các năm (theo giá so sánh năm 2010): năm 2011 là 18,75%/82,25%; năm 2012 là 14,06%/85,94%; năm 2013 là 11,82%/88,18%; năm 2014 là  9,22%/90,78%; năm 2015 dự kiến là 8,9%/91,1%. Khu vực ngoài nhà nước có tỷ trọng chiếm trong tổng giá trị đều tăng qua các năm thể hiện việc thu hút, huy động được các thành phần kinh tế tham gia phát triển sản xuất công nghiệp.


Phát triển công nghiệp trong giai đoạn này đã tạo bước chuyển biến mới và hướng đi đúng trong phát triển kinh tế – xã hội của Tỉnh là chú trọng phát triển công nghiệp chế biến khoáng sản, chế biến nông lâm sản và phát triển thuỷ điện, tạo đà cho phát triển trong giai đoạn tiếp theo.


Như Kim