Đánh giá về lĩnh vực công nghiệp của địa phương, báo cáo Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Trị vừa qua cho biết, ngành công nghiệp Quảng Trị có bước phát triển tương đối nhanh, đa dạng về ngành nghề và quy mô với mức tăng trưởng ổn định.


C
ụ thể, thời kỳ 2001- 2005, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp- xây dựng đạt bình quân là 19%, thời kỳ 2006- 2010 đạt bình quân 21%, vượt chỉ tiêu mà Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV đề ra. Và năm 2010 này, mới 9 tháng đầu năm giá trị SXCN ước đạt 1.208,3 tỷ đồng, tăng 13% so với cùng kỳ năm trước và đạt 65,3% kế hoạch năm. Dự kiến, cả năm 2010 ước đạt 1.850 tỷ đồng, đạt tốc độ tăng trưởng 19-20% so với năm 2009. Một số sản phẩm chủ yếu có mức tăng khá như: phân hóa học tăng 51,1%, quặng titan tăng 46,4%, điện thương phẩm tăng 17,3%, nước máy tăng 14,9%, gạch xây dựng tăng 5,4%, đá khai thác tăng 4,3%...

Để đạt được mục tiêu đó, ngay từ đầu nhiệm kỳ, Quảng Trị đã có Nghị quyết 13 của Tỉnh ủy về phát triển công nghiệp- tiểu thủ công nghiệp, Nghị quyết 12b của HĐND tỉnh về chính sách khuyến khích phát triển tiểu thủ công nghiệp và ngành nghề nông thôn, thành lập Ban chỉ đạo phát triển công nghiệp, kiên trì, bám sát mục tiêu của từng năm để chỉ đạo thực hiện….


Hiện nay, Quảng Trị đang trong quá trình tập trung phát triển các ngành công nghiệp ưu tiên, công nghiệp mũi nhọn để có thể xây dựng một nền công nghiệp bền vững, đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng trong tỉnh và hướng đến xuất khẩu. Tập trung phát triển 11 cụm công nghiệp- làng nghề và 2 KCN Nam Đông Hà, Quán Ngang. Trong đó các sản phẩm công nghiệp như ti tan, cao su, vật liệu xây dựng... có giá trị gia tăng cao nhất.

Tuy nhiên, khách quan nhìn nhận rằng, nền công nghiệp Quảng Trị hiện nay về quy mô vẫn còn nhỏ bé, chưa có các dự án có số vốn đầu tư lớn đến hàng trăm, hàng ngàn tỷ đồng. Dù tốc độ tăng trưởng khá trong nhiều năm nhưng thực tế chưa có những yếu tố tăng trưởng bền vững, chất lượng tăng trưởng chậm được cải thiện, giá trị gia tăng thấp do chủ yếu là gia công… Vì vậy, sự tăng trưởng về công nghiệp vẫn chưa tạo ra sự đột biến về đóng góp ngân sách cho địa phương. Chưa kể đến nhiều dự án công nghiệp ưu tiên quá trình xây dựng kéo dài, chậm đưa vào hoạt động như Nhà máy xi măng Roli, Nhà máy bia 30 triệu lít/năm, Nhà máy nghiền clinke... đã tạo nên những ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường đầu tư trên địa bàn Quảng Trị.

Để tập trung tháo gỡ những khó khăn trong đầu tư, đẩy mạnh phát triển sản xuất công nghiệp, ông Hồ Đại Nam- Giám đốc Sở Công thương Quảng Trị- cho biết, tỉnh đã trực tiếp đến thăm và tìm hiểu cụ thể từng dự án và bước đầu đã thống nhất giải quyết những vướng mắc của các dự án xi măng Roli, liên doanh bia Quảng Trị- Hà Nội… nên các dự án này đã khởi động trở lại. Đồng thời nhằm tạo sự đột biến về tăng trưởng công nghiệp, Quảng Trị đang tiến hành quy hoạch cảng biển nước sâu Mỹ Thủy và khu kinh tế Đông- Nam Quảng Trị. Tìm kiếm đối tác đầu tư phát triển những dự án có quy mô lớn…


Nhiều chuyên gia kinh tế khác thì cho rằng, nền công nghiệp Quảng Trị nhỏ bé nên muốn phát triển bền vững phải có chỗ đứng trong không gian chung, phải hình thành một mắt xích trong mạng lưới công nghiệp miền Trung- Tây Nguyên và trên hành lang kinh tế Đông-Tây. Phải ưu tiên chọn lựa một số ngành chủ lực, có ưu thế, mũi nhọn, có tính cạnh tranh như đóng tàu, dệt may, vật liệu xây dựng...

Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Trị lần thứ XV nhiệm kỳ 2010- 2015 đã đặt mục tiêu phát triển về công nghiệp và xây dựng (CN-XD) theo hướng hiện đại, vững chắc, gắn với bảo vệ môi trường. Trong đó, tốc độ tăng giá trị công nghiệp- xây dựng bình quân 5 năm là 18-19%.

Những chỉ tiêu này, Quảng Trị hoàn toàn có thể đạt được khi hạ tầng kinh tế cho công nghiệp đã đầu tư trong thời gian qua đã và đang phát huy tác dụng, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh. Các dự án trọng điểm đã đưa vào hoạt động, nay tiếp tục được phát huy như: công trình thủy lợi, thủy điện Quảng Trị với công suất 64 MW/năm; nhà máy gỗ MDF công suất 60.000 m3/năm; nhà máy tinh bột sắn ở Hướng Hóa và Hải Lăng; nhà máy may xuất khẩu Hòa Thọ, công suất 20 chuyền; nhà máy sản xuất phân bón NPK Bình Điền- Quảng Trị; nhà máy chế biến cà phê của Công ty Thái Hòa...


Ngoài ra, còn khá nhiều dự án đầu tư đang đẩy nhanh tiến độ, đưa vào hoạt động vào cuối năm 2010 và đầu năm 2011 như dự án nghiền klinke công suất 250.000 tấn/năm; dự án thủy điện La La và hạ Rào Quán, dự án que hàn Kim Tín- Quảng Trị ở Khu CN Quán Ngang; nhà máy nghiền zirem siêu mịn 500 tấn/năm; dự án nhà máy may công nghiệp Phong Phú ở cụm CN Diên Sanh…. Xa hơn nữa tỉnh đang quy hoạch, kêu gọi đầu tư xây dựng Trung tâm nhiệt điện công suất 1200- 2400 MW, nhà máy sản xuất đá ốp lát nhân tạo, nhà máy phong điện, sẽ vận hành vào cuối nhiệm kỳ….

Với lợi thế tiềm năng khoáng sản dồi dào, quỹ đất dành cho phát triển công nghiệp lớn, nguồn nhân lực, lao động địa phương tỉnh đang tập trung đào tạo nghề; lại nằm trên trục hành lang kinh tế Đông- Tây, có điều kiện để phát triển kinh tế biển… Người ta tin rằng phát triển công nghiệp sẽ là hướng mở để Quảng Trị sớm thoát ra khỏi nhóm tỉnh nghèo cả nước hiện nay.
 

Nguồn: Báo Công Thương điện tử