Sản xuất công nghiệp (SXCN) trên địa bàn thành phố trong quý I tiếp tục đạt mức tăng trưởng khá cao. Trong đó, giá trị SXCN ước đạt 146.686 tỷ đồng, tăng 13,6% so với quý I năm 2010.
Hiện tại, ngành công nghiệp TP.Hồ Chí Minh chiếm gần 30% tỷ trọng công nghiệp của cả nước và chiếm tới 46% của khu vực phía Nam. Tính từ 2006 - 2010, giá trị sản xuất công nghiệp (SXCN) của thành phố tăng 1,85 lần so với 5 năm trước đó. Động lực để ngành công nghiệp thành phố phát triển nhanh là nhờ các ngành công nghiệp có hàm lượng tri thức, công nghệ cao, có lợi thế cạnh tranh như cơ khí, điện tử, công nghệ thông tin, hóa dược, cao su, chế biến tinh lương thực, thực phẩm. Với 4 ngành công nghiệp trọng yếu này, tỷ trọng tăng trưởng từ 55,4% trong năm 2005 lên 59,4% năm 2010. Năm 2011, thành phố phấn đấu tỷ trọng này sẽ đạt 60%
Trong 3 tháng đầu năm 2011, TP. Hồ Chí Minh đã thu hút trên 70 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư đạt 1,12 tỷ USD, tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Các ngành có vốn lớn gồm công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghệ thông tin. Ông Lư Thanh Phong, Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết, năm nay, thành phố sẽ đẩy mạnh kêu gọi đầu tư vào các ngành công nghiệp có hàm lượng khoa học - công nghệ và giải trí gia tăng cao gồm cơ khí, điện tử, công nghệ thông tin; hóa dược, cao su; chế biến tinh lương thực- thực phẩm; các ngành công nghệ sinh học, công nghiệp sạch, tiết kiệm năng lượng, công nghiệp phụ trợ. |
Ngoài tốc độ tăng trưởng, các ngành công nghiệp nói trên liên tục tăng cao về năng suất lao động với mức bình quân 17%/năm (giai đoạn 2006-2010), cao hơn năng suất lao động toàn ngành công nghiệp. Hiện tại, nhiều sản phẩm công nghiệp của thành phố đã chiếm được thị phần trong nước rất lớn như nước giải khát, sữa đặc, sữa đóng hộp chiếm 80%; thực phẩm chế biến (70%), dây cáp điện (80%), lốp ô tô, xe máy (90%), điện tử gia dụng (50%)…
Thực hiện chuyển đổi phát triển theo hướng bền vững, thành phố đã quy hoạch nhằm phát triển các khu công nghiệp sản xuất sản phẩm phụ trợ, phát triển trung tâm và công nghệ phần mềm tập trung, xây các khu công nghiệp kỹ thuật cao để hút các nhà đầu tư. Theo Sở Công Thương, trong khoảng 5 năm trở lại đây, 4 ngành công nghiệp trọng yếu đã có 24.345 DN được thành lập, tăng khoảng 3 lần so với giai đoạn 2001-2005, chiếm 46% số các DN mới thành lập của thành phố. Các dự án về cơ khí đã tập trung nhiều trang thiết bị, công nghệ mới, bảo vệ môi trường, sử dụng công nghệ tiên tiến do các tập đoàn lớn trên thế giới đầu tư, trong đó có những dự án như sản xuất pin mặt trời ở khu công nghiệp Đông Nam, sản xuất con chíp điện tử ở khu công nghệ cao của thành phố với mỗi dự án hơn 1 tỷ USD.
Ông Nguyễn Văn Lai, Giám đốc Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh cho biết, ngành công nghiệp cơ khí của thành phố đang có mức phát triển nhanh, đặc biệt là ngành cơ khí chế tạo. Công nghiệp điện tử - công nghệ thông tin có mức doanh thu hằng năm chiếm tới 40% doanh thu cả nước. Công nghiệp hóa chất, hóa dược, nhựa, cao su phát triển theo hướng tăng giá trị gia tăng và bảo vệ môi trường. Ngành công nghiệp chế biến lương thực, thực phẩm chuyển sang tinh chế với công nghệ tiên tiến, tạo ra những sản phẩm chất lượng cao. Đây là bốn lĩnh vực mà ngành công nghiệp thành phố cần tập trung đầu tư chiều sâu và dài hạn.
Để hiện thực hóa những giá trị các ngành công nghiệp mũi nhọn, chính quyền thành phố đã triển khai 5 nhóm hỗ trợ DN thực hiện các dự án trong nước thuộc chương trình kích cầu trên địa bàn, một số dự án đầu tư sản xuất sản phẩm điện tử, công nghệ thông tin, sản phẩm cơ khí chính xác; chế biến lương thực, thực phẩm có giá trị gia tăng cao được ngân sách hỗ trợ 100% hoặc 50% lãi suất vốn vay. Ngoài quy hoạch phát triển công nghiệp chủ lực, giúp DN về năng lực quản lý, công nghệ, TP. Hồ Chí Minh còn tập trung đào tạo nguồn lao động có tay nghề cao từ 300 cơ sở đào tạo, dạy nghề với nhiều tỷ đồng.
Ông Từ Minh Thiện, Giám đốc Trung tâm xúc tiến Thương mại & đầu tư (ITPC) cho biết, Hội đồng Anh đã phối hợp cùng ITPC tiến hành lập bản đồ ngành công nghiệp sáng tạo cho Việt Nam. Đây là một hoạt động nhằm hợp tác và phát triển ngành công nghiệp sáng tạo tại Việt Nam, đặc biệt là tại TP. Hồ Chí Minh.
Từ những dự án đã được ký kết đầu tư, những hoạch định mà chính quyền thành phố đã và đang thực hiện cho thấy, ngành công nghiệp của TP. Hồ Chí Minh đang trong giai đoạn “thay chiếc áo mới”. Đó là đi từ sản xuất lạc hậu, sản phẩm kém chất lượng đến một ngành công nghiệp hiện đại với những sản phẩm chất lượng cao vừa phục vụ nhu cầu trong nước, vừa xuất khẩu.
Thế Vĩnh (Công thương điện tử)