Năm 2009, giá trị SXCN của Hải Phòng tăng 7,7%, tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ tăng 22,4%, tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 11,7% so cùng kỳ. Cơ cấu công nghiệp từng bước chuyển dịch theo hướng tích cực, với sự hình thành các ngành công nghiệp giữ vai trò chủ lực trong tăng trưởng công nghiệp của thành phố như: sản xuất thép, công nghiệp cơ khí vận tải, sản xuất máy móc thiết bị điện, công nghiệp sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic; công nghiệp sản xuất giày dép ...; đồng thời hình thành các trung tâm công nghiệp cơ khí vận tải, công nghiệp sản xuất thép. Các sản phẩm công nghiệp xuất khẩu có lợi thế của thành phố như: thực phẩm chế biến, giày dép, may mặc, tàu biển, dây và cáp điện... đạt kim ngạch xuất khẩu cao.
Hoạt động thương mại tiếp tục phát triển và mở rộng trên địa bàn. Hệ thống các DN kinh doanh phân phối hàng hóa, các cơ sở hạ tầng thương mại: chợ, trung tâm thương mại, siêu thị,… được nâng cấp và phát triển khá nhanh. Hàng hóa phong phú đa dạng, hiện đại, chất lượng tạo sự tin cậy và hấp dẫn khách hàng. Hình thành phương thức kinh doanh cũng như tiêu dùng theo hướng văn minh hiện đại. Các dự án đầu tư sản xuất công nghiệp, kinh doanh thương mại được tập trung triển khai thực hiện. Việc đầu tư mới, đổi mới thiết bị, công nghệ, đăng ký nhãn mác hàng hóa, xây dựng thương hiệu, đào tạo lao động được các DN chú trọng. Một số khu cụm công nghiệp đã được quy hoạch mới như Khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải, Khu công nghiệp An Dương, Nam Đình Vũ,… Tiến độ xây dựng hạ tầng kỹ thuật các khu, cụm công nghiệp: Tràng Duệ, Vinashin-Shinec, Tân Liên … đã có mặt bằng sạch thu hút đầu tư phát triển sản xuất công nghiệp.
Mặc dù gặp rất nhiều khó khăn trong giai đoạn năm 2008 và 2009, song do cơ cấu công nghiệp được chuyển dịch tích cực trên cơ sở phát huy các ngành công nghiệp truyền thống, có lợi thế nên sản xuất công nghiệp và hoạt động thương mại trên địa bàn vẫn duy trì tăng trưởng khá. Đặc biệt, năm 2009 xuất khẩu vẫn tiếp tục ổn định và đạt tốc độ tăng trưởng cao so với bình quân chung cả nước. Hải Phòng hiện có hơn 600 DN xuất nhập khẩu trực tiếp và xuất khẩu tới trên 75 quốc gia và vùng lãnh thổ. Ngành Công Thương là một ngành kinh tế chủ lực của thành phố, đang dần trở thành những trung tâm về công nghiệp, thương mại của vùng và cả nước. Hàng năm đóng góp trên 50% GDP trên địa bàn; trên 85% giá trị kim ngạch xuất khẩu; giải quyết trên 60% lao động trong khu vực phi nông nghiệp và luôn chiếm trên 50% nguồn thu ngân sách của Hải Phòng.
Năm 2010 là năm có ý nghĩa quan trọng trong thực hiện các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2006-2010, tạo đà cho giai đoạn 2011-2015, ngành Công Thương Hải Phòng phối hợp với các cấp, ngành, DN tập trung thực hiện các biện pháp đẩy mạnh tăng trưởng ngay từ những tháng đầu năm. Theo đó, quý I/2010, giá trị sản xuất công nghiệp tăng 15,2%; tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 27,2%; tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tăng 27,2% so cùng kỳ.
Để Hải Phòng trở thành thành phố công nghiệp, hiện đại, văn minh trước năm 2020, Ngành Công Thương Hải Phòng tập trung thực hiện một số định hướng, giải pháp lớn từ nay đến năm 2015 như sau:
Trước hết, tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, giúp DN tháo gỡ khó khăn đẩy mạnh sản xuất kinh doanh và hoạt động xuất nhập khẩu. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng các dự án sản xuất công nghiệp, kinh doanh thương mại, nhất là các dự án Nhiệt điện Hải Phòng II, Nhà máy xơ sợi tổng hợp, Nhà máy SX phôi thép Úc…, triển khai các dự án Nhiệt điện Hải Phòng III, Nhà máy đóng tầu sông Giá,... Thực hiện hợp lý kế hoạch cung cấp điện với kế hoạch sản xuất kinh doanh, hạn chế tới mức thấp nhất ảnh hưởng do thiếu điện trong sản xuất kinh doanh.
Thứ hai, tập trung phát triển mạnh công nghiệp theo hướng hiện đại, tốc độ tăng trưởng nhanh, hiệu quả, hướng về xuất khẩu các sản phẩm có lợi thế cạnh tranh, đồng thời coi trọng công nghiệp tiêu dùng trong nước, tiến tới hình thành những trung tâm công nghiệp mới giữ vai trò chủ lực của công nghiệp vùng duyên hải Bắc bộ; phấn đấu đạt chỉ số tăng trưởng sản xuất trên 15%/năm giai đoạn 2011 - 2015.
Thứ ba, đẩy mạnh đầu tư phát triển vừa đảm bảo tăng trưởng nhanh, vừa tập trung chuyển dịch cơ cấu công nghiệp một cách hợp lý. Khuyến khích các DN đầu tư ứng dụng công nghệ tiên tiến, công nghệ thân thiện môi trường; đồng thời phát triển các ngành công nghiệp mới như công nghiệp lọc hóa dầu, công nghiệp môi trường, công nghiệp phụ trợ... nhằm đảm bảo phát triển bền vững. Đổi mới và nâng cao chất lượng đào tạo nghề công nghiệp, nhất là đội ngũ công nhân kỹ thuật cao đáp ứng yêu cầu phát triển công nghiệp theo hướng hiện đại.
Thứ tư, đẩy mạnh xây dựng cơ sở hạ tầng công nghiệp, thương mại theo hướng hiện đại, văn minh. Phát triển mạnh các hoạt động dự trữ, phân phối, quy mô lớn các loại hàng hoá tiêu dùng, nguyên nhiên vật liệu cho sản xuất, tiêu dùng của khu vực duyên hải Bắc bộ và các địa phương phía Bắc. Phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng bình quân về tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ trên 20%/năm.
Thứ năm, tăng cường công tác xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường. Đẩy mạnh các hoạt động xuất nhập khẩu, thực hiện có hiệu quả chiến lược phát triển xuất khẩu trên địa bàn. Trong đó, coi trọng đổi mới cơ cấu hàng xuất khẩu, nâng tỷ trọng sản phẩm chế biến sâu, hạn chế xuất khẩu thô; phát triển đa dạng các hoạt động xuất khẩu tại chỗ, các hoạt động dịch vụ thu ngoại tệ trên địa bàn. Xây dựng Hải Phòng thành trung tâm xuất nhập khẩu lớn của khu vực phía Bắc, phấn đấu đạt tổng kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 4 tỷ USD vào năm 2015.
Đỗ Quang Thịnh
Giám đốc Sở Công Thương Hải Phòng