Giai đoạn 2005-2009, hoạt động khuyến công Đà Nẵng đã giải quyết việc làm cho lượng lao động lớn ở nông thôn, ở các khu vực giải toả, hỗ trợ các cơ sở CNNT, đào tạo dạy nghề, cấy nghề, nâng cao năng lực quản lý cho chủ cơ sở, hỗ trợ đầu tư đổi mới máy móc, thiết bị, tiếp cận các nguồn vốn đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh…

 

Kết quả của hoạt động khuyến công đã góp phần vào sự tăng trưởng của công nghiệp địa phương, góp phần đáng kể để tỷ trọng công nghiệp-xây dựng tăng 35,3%; thương mại -dịch vụ tăng 26,5%; khoảng 4.000 lao động tham gia sản xuất tại các cơ sở công nghiệp -tiểu thủ công nghiệp, hàng năm giải quyết việc làm cho 500 lao động mới. Giá trị sản xuất CNNT tiếp tục tăng trưởng khá (dệt may, da giày tăng 72,2%; chế biến thực phẩm-đồ uống tăng 40,8%; sản phẩm từ gỗ tăng 17,4%; hoá chất, nhựa tăng 24,7%; cơ khí tăng 20,5%)…


5 năm qua, hoạt động khuyến công Đà Nẵng đã thực hiện 24 đề án với tổng kinh phí 1.799 triệu đồng; triển khai 14 mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất, thu hút hơn 18 tỷ đồng vốn đầu tư, 10 đề án đào tạo nghề; hỗ trợ thành lập hiệp hội doanh nghiệp tại các quận, huyện; Hội làng nghề nước mắm Nam Ô, Hội làng nghề điêu khắc đá mỹ nghệ Non Nước; thường xuyên tổ chức các lớp huấn luyện, hội thảo chuyên đề nâng cao năng lực quản lý cho các cơ sở CNNT. Tổ chức cho các doanh nghiêp, cơ sở, làng nghề tham gia các hội chợ ở địa phương và khu vực; tổ chức khảo sát nhiều làng nghề truyền thống để có định hướng phát triển phù hợp theo hướng công nghiệp hoá sản phẩm từ nông thôn; tư vấn đầu tư đổi mới thiết bị, đầu tư dây chuyền sản xuất mới từ các nguồn kinh phí khuyến công.


Khó khăn của Đà Nẵng là phần lớn các cơ sở CNNT hình thành tự phát, mặt bằng chật hẹp; lao động thiếu chuyên nghiệp; sản phẩm công nghiệp chưa đa dạng… Thời gian tới, Đà Nẵng sẽ hướng vào hỗ trợ phát triển CNNT, khôi phục, phát triển nghề và làng nghề; đẩy mạnh đào tạo nghề, truyền nghề và nhân cấy nghề mới; phát triển cơ sở hạ tầng các cụm CN-TTCN và làng nghề; đầu tư, phát triển nghề truyền thống nhằm tạo ra những sản phẩm đặc thù phục vụ xuất khẩu; hình thành các điểm tư vấn về công nghiệp -tiểu thủ công nghiệp, làng nghề, mạng lưới cộng tác viên tư vấn khuyến công; xây dựng mô hình trình diễn và chuyển giao công nghệ mới vào sản xuất; xây dựng trung tâm dữ liệu điện tử về CNNT; hỗ trợ tư vấn, phát triển sản phẩm mới, ứng dụng khoa học kỹ thuật; hỗ trợ phát triển doanh nghiệp CNNT; tập huấn nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp; Đặc biệt, mục tiêu trọng điểm của chương trình khuyến công trong thời gian tới là tập trung hỗ trợ các tổ chức, cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế, đầu tư phát triển CNNT bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh để hội nhập kinh tế quốc tế.
 

Hoài Gia