Tham dự Hội nghị có ông Trần Sỹ Thanh – Phó chủ tịch UBND Tỉnh, đại diện các Sở ban ngành có liên quan, Phòng Công thương, Phòng Kinh tế các huyện, thành phố, thị xã trong tỉnh cùng các đơn vị thụ hưởng chính sách khuyến công cùng tham dự. Ông Võ Thanh – Giám đốc Sở công thương tỉnh chủ trì Hội nghị.
Tại Hội nghị, ông Nguyễn Anh Dũng – Phó Giám đốc Sở Công thương Đắk Lắk đã đọc báo cáo tổng kết 5 năm thực hiện Nghị định 134/2004/NĐ-CP của Chính phủ này 9/6/2004 về khuyến khích phát triển công nghiệp nông thôn và sơ kết 2 năm thực hiện Quyết định 136/2007/QĐ-TTg ngày 20/8/2007 của thủ tướng chính phủ về việc phê duyệt Chương trình khuyến công quốc gia đến năm 2012.
Trong 5 năm 2005 – 2009, công nghiệp trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đã có những bước phát triển đáng kể, giá trị sản xuất công nghiệp năm 2005 đạt 1.366 tỷ đồng, đến năm 2009 giá trị SXCN đạt 3.200 tỷ đồng; tốc độ tăng trưởng bình quân gia đoạn 2005 – 2009 là 23,8%, trong đó giá trị SXCN nông thôn năm 2005 đạt trên 831 tỷ đồng, chiếm 53,9% giá trị SXCN, tốc độ tăng trưởng bình quân công nghiệp nông thôn giai đoạn 2005 – 2009 đạt 21,4%.
Các cơ sở sản xuất CNNT trong những năm gần đây đã gia tăng mạnh về số lượng, cuối năm 2005 có 4.946 cơ sở, đến cuối năm 2009 có 6.233 cơ sở, tốc độ tăng bình quân giai đoạn 2005 – 2009 là 6%. Số lao động tham gia làm việc tại các cơ sở CNNT cũng tăng đáng kể, năm 2005 có 14.830 lao động thì đến năm 2009 có 24.930 lao động, tốc độ tăng bình quân gia đoạn 2005 – 2009 là 14,1%.
Công nghiệp của tỉnh Đắk Lắk trong những năm qua có những bước phát triển đáng kể, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội chung trên địa bàn của tỉnh. Tuy vậy, trong cơ cấu kinh tế hiện nay của tỉnh Đắk Lắk nông nghiệp vẫn chiếm tỷ trọng khá cao, các cơ sở sản xuất CN-TTCN hình thành tự phát, chưa theo định hướng qui hoạch của Nhà nước, do vậy chưa bền vững, sản xuất không ổn định, các sản phẩm chưa có giá trị kinh tế cao, chưa đủ sức cạnh tranh trên thị trường trong và ngòai nước. Mặt khác, việc phát triển thiếu tập trung của các cơ sở sẽ làm ảnh hưởng rất lớn trong công tác xử lý môi trường – công tác quản lý và hoạch định chiến lược phát triển.
Bên cạnh đó, phần lớn các cơ sở sản xuất CN – TTCN có quy mô nhỏ và vừa, vốn cũng như lao động có tay nghề trong sản xuất còn nhiều hạn chế, trình độ năng lực quản lý yếu, sản phẩm sản xuất cả về số lượng lẫn chất lượng, mẫu mã chưa đáp ứng được thị hiếu của người tiêu dùng và sự phát triển của thị trường, sản phẩm chưa đạt tiêu chuẩn, yêu cầu của xã hội; chưa có mối liên kết với nhau giữa các cơ sở, thị trường tiêu thụ không ổn định đã ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh.
Trình bày tham luận tại Hội nghị, đại diện một số đơn vị tham gia liên kết đào tạo cùng các đơn vị thụ hưởng như trường trung cấp nghề VINASME Tây Nguyên, HTX Nông nghiệp – Dịch vụ Hoà Nhơn… đã nêu những kinh nghiệm cũng như những thuận lợi, khó khăn trong quá trình thực hiện các đề án khuyến công, đồng thời nêu ra những mong muốn, yêu cầu để việc thực hiện đề án ngày một tốt hơn, đạt hiệu quả cao trong thực tế.
Khuyến khích phát triển công nghiệp nông thôn là một chủ trương đúng đắn của chính phủ. Mặc dù việc thực hiện còn tương đối mới mẻ, gặp nhiều khó khăn nhưng những kết quả đạt được là điều đáng khích lệ, nhất là đối với một tỉnh có nhiều tiềm năng như Đắk Lắk. Để biến những tiềm năng đó thành thực tiễn giúp tạo việc làm, thêm thu nhập cho người lao động, đưa những sản phẩm chất lượng ra thị trường, nâng cao vị thế công nghiệp nông thôn của tỉnh nhà… là nhiệm vụ không chỉ của Trung tâm KC & TVPT CN mà còn là sự phối kết hợp giữa các Sở, ban ngành đoàn thể có liên quan cùng với sự quan tâm của chính quyền. Hi vọng trong thời gian tới, công nghiệp nông thôn Đắk Lắk ngày càng đạt được những thành tích cao hơn nữa, góp phần vào công cuộc công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước.
Như Hoàng, TT KC&TVPTCN ĐăkLắk