Với phương châm bám sát các nhiệm vụ chuyên môn, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị liên quan để triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao, năm 2011 Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh Đắk Nông (Trung tâm) đã thực hiện có hiệu quả nhiều đề án khuyến công góp phần quan trọng khuyến khích các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn đầu tư mở rộng sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động ở khu vực nông thôn.
Cụ thể, Trung tâm đã dành phần lớn nguồn kinh phí thực hiện hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, ứng dụng chuyển giao công nghệ mới vào sản xuất, bao gồm: Hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị trong dây chuyền sản xuất và sửa chữa máy cơ khí phục vụ sản xuất nông nghiệp tại Cơ sở cơ khí Đình Quý, xã Đức Mạnh, huyện Đăk Mil, với kinh phí hỗ trợ 60 triệu đồng; hoàn thành đề án Hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị trong dây chuyền chế biến cà phê bột tại Cơ sở Hương Nguyên, xã Tâm Thắng, huyện Cư Jút, với kinh phí hỗ trợ là 50 triệu đồng; Hoàn thành Đề án xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật sơn tĩnh điện tại Xí nghiệp tư nhân cơ khí thương mại và Dịch vụ Thanh Cẩn, xã Tâm Thắng, huyện Cư Jút, với kinh phí hỗ trợ là 70 triệu đồng; hỗ trợ ứng dụng máy bóc tách vỏ lụa vào trong chế biến hạt điều nhân, với tổng kinh phí thực hiện 1.607 triệu đồng; trong đó kinh phí hỗ trợ 100 triệu đồng;
Bên cạnh đó, Trung tâm đã tổ chức cho các cán bộ làm công tác khuyến công trao đổi, học tập kinh nghiệm về hoạt động khuyến công ở các tỉnh miền Tây Nam bộ; Tổ chức xuất bản ấn phẩm thông tin tuyên truyền hoạt động Công Thương trên địa bàn tỉnh …
Sang năm 2012, để hỗ trợ các hoạt động khuyến công của tỉnh Đắk Nông, phát huy hơn nữa vai trò là động lực thúc đẩy công nghiệp nông thôn phát triển, Bộ Công Thương đã quyết định hỗ trợ kinh phí cho Trung tâm triển khai 06 đề án khuyến công quốc gia trên địa bàn, bao gồm: Hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị trong dây chuyền chế biến bột đậu nành, chế biến hạt điều nhân; Hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị trong dây chuyền sản xuất máy móc thiết bị chế biến nông sản; Hỗ trợ xây dựng thương hiệu sản phẩm công nghiệp nông thôn; Hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị trong dây chuyền sản xuất, sửa chữa máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp. Ngoài ra, từ nguồn kinh phí địa phương, UBND tỉnh cũng dự kiến hỗ trợ cho Trung tâm triển khai thực hiện 09 đề án với tổng kinh phí thực hiện là 1.736,5 triệu đồng; trong đó: kinh phí khuyến công địa phương sẽ hỗ trợ 779,5 triệu đồng, kinh phí tự đầu tư của cơ sở là 957 triệu đồng.
Từ các nguồn kinh phí trên, hoạt động khuyến công của Trung tâm sẽ tập trung thực hiện các nội dung: tổ chức tập huấn, đào tạo khởi sự doanh nghiệp cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn qua đó nâng cao năng lực cạnh tranh, quản trị cho các doanh nghiệp; tập huấn về chính sách khuyến công cho cán bộ làm công tác khuyến công các cấp nhằm phổ biến sâu rộng hơn nữa chính sách khuyến khích phát triển công nghiệp nông thôn của Nhà nước; tăng cường hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ sản xuất… chú trọng vào những công nghệ sản xuất mới, thân thiện với môi trường và tạo nhiều việc làm cho người lao động.
AIP.