Tập trung nguồn lực, tăng cường giám sát, tháo gỡ kịp thời khó khăn phát sinh trong quá trình triển khai các đề án khuyến công là những giải pháp Cục công nghiệp địa phương đưa ra nhằm đảm bảo tiến độ triển khai cho hoạt động khuyến công khu vực phía Nam.


Theo Cục Công nghiệp địa phương, Bộ Công Thương, tổng kế hoạch kinh phí khuyến công năm 2014 được duyệt của 20 tỉnh, thành phố khu vực phía Nam là 58,087 tỷ đồng. Trong đó, kinh phí khuyến công quốc gia hỗ trợ 24,348 tỷ đồng, kinh phí khuyến công địa phương của 19/20 tỉnh, thành phố là 33,739 tỷ đồng.


Tuy nhiên, tính đến hết tháng 9 tiến độ giải ngân của hoạt động khuyến công khu vực khá chậm so với kế hoạch. Cụ thể, chương trình đào tạo nghề, truyền nghề đạt 41,29% kế hoạch; chương trình nâng cao năng lực quản lý đạt 42,81%; chương trình phát triển sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu đạt 38,21%; chương trình tư vấn trợ giúp các cơ sở công nghiệp nông thôn đạt 29,67%... Riêng chương trình hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ đạt tiến độ giải ngân trên 50% kế hoạch (53,45%).


Tiến độ giải ngân chậm đã phản ánh việc triển khai hoạt động khuyến công của các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam đang gặp nhiều trở ngại. Chia sẻ điều này đại diện Sở Công Thương tỉnh Trà Vinh cho biết: Việc triển khai các đề án khuyến công, đặc biệt là đề án về đầu tư đổi mới máy móc thiết bị của tỉnh gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân chủ yếu là do hầu hết các doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa, năng lực tài chính hạn chế, thiếu vốn đối ứng khiến doanh nghiệp không tiếp tục tham gia. Hơn nữa, công tác khảo sát nhu cầu, tiếp cận các cơ sở công nghiệp nông thôn chưa được thực hiện sát sao.


Từ thực trạng của địa phương, đại diện Sở Công Thương tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng cho biết thêm: Có sự chồng chéo giữa Chương trình đào tạo nghề của khuyến công với Chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Nhưng quan trọng hơn, nhiều lao động sau khi được đào tạo đã phải chuyển nghề do không tìm được việc làm ổn định. Các cơ sở công nghiệp nông thôn, mặc dù chịu đầu tư máy móc thiết bị nhằm tăng năng suất nhưng sản phẩm đơn điệu, khả năng cạnh tranh kém, tiêu thụ chậm… Vì vậy, hầu hết các cơ sở sau khi đầu tư chưa khai thác hết công suất của thiết bị, thậm chí có cơ sở chỉ hoạt động với 60% công suất thiết kế.


Theo Báo cáo, cán bộ làm công tác khuyến công thường bị thay đổi nên việc nắm bắt, cập nhật tiến độ triển khai các đề án khuyến công không kịp thời; công tác thẩm định cấp cơ sở đối với các đề án đăng ký hỗ trợ từ kinh phí khuyến công quốc gia chưa tốt… cũng là những nguyên nhân dẫn tới chậm tiến độ triển khai kế hoạch khuyến công.


Được biết, tích cực đẩy nhanh các đề án khuyến công đang thực hiện, nhanh chóng triển khai các đề án chưa thực hiện nhằm hoàn thành và đạt hiệu quả cao kế hoạch kinh phí khuyến công là nhiệm vụ trọng tâm của khuyến công khu vực phía Nam trong những tháng còn lại của năm 2014.


Để thực hiện tốt nhiệm vụ này, Cục công nghiệp địa phương yêu cầu: Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trong khu vực tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kịp thời tháo gỡ những khó khăn vướng mắc phát sinh của các đề án khuyến công. Khẩn trương hoàn thành kế hoạch kinh phí khuyến công quốc gia năm 2014.


Về lâu dài, để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động khuyến công khu vực, Cục công nghiệp địa phương cũng đưa ra nhiều giải pháp. Theo đó, Sở Công Thương các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam tăng cường đào tạo, tập huấn bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ làm công tác khuyến công. Phổ biến chính sách khuyến công trên các phương tiện thông tin đại chúng nhằm thu hút sự quan tâm, hưởng ứng của các cơ sở công nghiệp, người lao động khu vực nông thôn.


Xây dựng các đề án khuyến công theo hướng hỗ trợ có trọng tâm trọng điểm với nguồn kinh phí lớn nhằm tạo sự bứt phá. Ngoài các hoạt động khuyến công theo đề án có hỗ trợ tài chính cần tăng cường hoạt động tư vấn khuyến công hỗ trợ phi tài chính cho các cơ sở công nghiệp nông thôn. Tăng cường liên kết giữa các tỉnh, thành phố trong vùng nhằm trao đổi kinh nghiệm trong việc triển khai hoạt động khuyến công, phát huy lợi thế của từng địa phương đồng thời phối hợp khai thác thế mạnh của cả vùng.


Phạm Kim