Tỉnh tạo mọi điều kiện hỗ trợ xây dựng các dự án mới, mở rộng quy mô sản xuất, chuyển giao khoa học công nghệ; hỗ trợ kinh phí đào tạo nghề cho lao động, nhất là lao động bị thu hồi đất sản xuất, đào tạo nâng cao năng lực quản lý kinh doanh cho thương nhân, nhằm cải biến chất lượng sản phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn tỉnh. Tỉnh cũng đã tập trung quan tâm hoàn thiện các đề án, quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng thương mại như: phát triển mạng lưới chợ, mạng lưới cửa hàng xăng dầu, hệ thống cửa hàng bán buôn, bán lẻ…
Trước những biến động của việc tăng mức lương cơ bản, sự biến động của thị trường vàng, xăng dầu…, một mặt, tỉnh chỉ đạo các cơ quan quản lý, theo dõi chặt chẽ diễn biến của giá cả thị trường hàng hoá, nhất là những mặt hàng thiết yếu để kịp thời đề xuất các giải pháp nhằm ổn định thị trường; tăng cường công tác thanh tra, kiểm soát thị trường chống hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc, xử lý các trường hợp lợi dụng tăng giá hàng hóa sai quy định... Mặt khác, tỉnh vận động các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong và ngoài tỉnh tích cực tham gia Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; hướng dẫn, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tham gia mở rộng, phát triển mạng lưới phân phối hàng hóa, nhất là ở các địa bàn nông thôn, vùng sâu, vùng xa… Tỉnh tích cực thực hiện các giải pháp xúc tiến thương mại như: tham gia, tổ chức các Hội chợ giới thiệu, quảng bá sản phẩm thế mạnh của các làng nghề thủ công truyền thống trong tỉnh.
Năm 2010, Sở Công thương Ninh Bình đã tiếp nhận trên 900 Chương trình bán hàng Việt khuyến mại của hàng trăm doanh nghiệp, đơn vị sản xuất trong nước với trị giá hàng hoá đạt gần 556 tỷ đồng. Tỉnh tổ chức được hàng chục Hội chợ xúc tiến thương mại tại 8/8 huyện thị trong tỉnh, thu hút đông đảo các doanh nghiệp trong nước, của tỉnh tham gia. Trong năm qua, hoạt động đưa hàng Việt chất lượng tốt với giá cả phù hợp về các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa cũng được chú trọng. Tỉnh đã vận động được nhiều doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tham gia cung ứng các mặt hàng: máy móc công nghệ, vật tư phục vụ sản xuất, xây dựng, trang trí nội thất, các sản phẩm hàng hoá tiêu dùng phục vụ đời sống nhân dân…
Bà Phạm Thị Hồng, Giám đốc Sở Công thương Ninh Bình cho biết: Để hàng Việt chiếm được niềm tin của người tiêu dùng Việt, các doanh nghiệp cần quan tâm chú trọng đến chất lượng sản phẩm hàng hoá. Dù trên địa bàn vẫn còn một số vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa rơi vào tình trạng khan hiếm hàng hoá. Tuy nhiên các đơn vị, đại lý cung ứng hàng hoá không nên đưa các sản phẩm hàng Việt là hàng tồn kho, hàng kém chất lượng ra tiêu thụ làm mất lòng tin của người tiêu dùng đối với các mặt hàng sản xuất trong nước../.
Vũ Văn Đạt