Nguyên nhân dẫn đến khó khăn của các doanh nghiệp (DN) gạch, gốm hiện nay là công nghệ sản xuất còn thủ công lạc hậu, sản phẩm chưa có khả năng cạnh tranh, giá thành cao và gây ô nhiễm môi trường.

 

Hơn nữa, vấn đề môi trường hiện khá nan giải, nồng độ khí HF (axit Flohidric) trong khí thải lò gạch quá cao. Do đó, giải pháp của các DN sản xuất gạch, gốm phải là: chuyển đổi công nghệ thủ công sang sử dụng công nghệ nung gạch cải tiến cho năng suất cao, tiết kiệm nguồn nguyên nhiên liệu hiệu quả, tiết kiệm thời gian và công sức lao động, giảm thiểu tác động môi trường.

 

Thực hiện quyết định của Thủ tướng Chính phủ về chương trình phát triển vật liệu xây dựng không nung đến năm 2020, sau thời gian nghiên cứu, khảo sát việc sản xuất gạch - gốm trong và ngoài tỉnh, mới đây, Sở Công Thương Vĩnh Long đã đề ra giải pháp xây dựng mô hình “Lò nung gạch đốt trấu liên hoàn, giảm thiểu ô nhiễm môi trường” và áp dụng thử nghiệm tại Công ty Tân Mai (Huyện Mang Thít). Kết quả bước đầu rất khả quan, đáp ứng được các mục tiêu đề tài về xử lý khói bụi, đạt năng suất cao, giảm đáng kể việc tiêu hao nhiên liệu trong quá trình sản xuất gạch - gốm. Đây là một trong những chương trình Vĩnh Long nghiên cứu hỗ trợ cơ sở sản xuất, doanh nghiệp đầu tư chiều sâu cải tiến công nghệ sản xuất gạch đất sét nung nhằm giảm tiêu hao nguyên liệu, nhiên liệu và bảo vệ môi trường trong năm 2013.

 

Công nghệ này sử dụng chất đốt phế liệu của ngành nông nghiệp (trấu), nung được sản phẩm gạch và gốm đáp ứng yêu cầu của khách hàng về chủng loại, kích cỡ. Tại Công ty trách nhiệm hữu hạn Tân Mai, mô hình lò nung liên hoàn sử dụng trấu được thiết kế kết cấu lò gồm 2 dãy thẳng, công suất 3 triệu viên gạch/tháng, tạo hình sản phẩm bằng hệ thống máy ép đùn chân không, công nghệ nung liên hoàn giảm tiêu hao nhiên liệu và thiết kế vận hành hệ thống xử lý khí thải đồng bộ đảm bảo tiêu chuẩn môi trường. Trung bình 1kg trấu nhiên liệu lò nung cải tiến cho ra 7 viên gạch, trong khi với kiểu lò tròn chỉ 2,5 viên. Tính toán của các hộ sản xuất gạch lò nung truyền thống giá thành 1 viên gạch 1.200-1.400đ, trong khi giá bán gạch từ nơi khác tới chỉ 700-900 đ/viên.

 

Tuy nhiên, khó khăn hiện nay là nguồn vốn chuyển đổi công nghệ khá cao nên nhiều DN trong tỉnh còn nhiều băn khoăn. Hiện Sở Công Thương Vĩnh Long dự kiến sẽ chuyển giao và có giải pháp hỗ trợ vốn cho một số DN, cơ sở chuyển đổi đầu tiên. Trong 2 năm 2013 – 2014, Vĩnh Long thực hiện hỗ trợ vốn trực tiếp 1,5 tỷ đồng cho 20 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất gạch ngói và hỗ trợ nguồn vốn tín dụng với lãi suất ưu đãi 25 tỷ đồng cho 40 doanh nghiệp thực hiện chuyển giao, chuyển đổi công nghệ theo lộ trình. Theo kế hoạch, từ nay đến năm 2015, Vĩnh Long sẽ thực hiện tháo dỡ 485 lò tròn thủ công nằm ngoài cụm tuyến quy hoạch và trong khu vực thành phố, thị trấn. Đối với 1.799 lò tròn của 807 cơ sở sản xuất gạch và 380 lò tròn của 45 cơ sở sản xuất gốm nằm trong cụm tuyến quy hoạch, Vĩnh Long sẽ vận động, hỗ trợ chuyển đổi công nghệ sản xuất theo quy trình sản xuất sạch hơn, đảm bảo môi trường.

 

Ngọc Lê