Như vậy, cùng với hai nhà máy nhiệt điện, đường ống PM3 dẫn khí từ ngoài biển xa vào đất liền, bước sang năm mới Nhâm Thìn, cụm khí - điện - đạm Cà Mau, công trình trọng điểm quốc gia đã hoàn thành, cùng với đó là sự thay da đổi thịt ở vùng đất Cực Nam của Tổ quốc.
Những hạt đạm cho mùa vàng bội thu
Vào những ngày cuối cùng của năm 2011, những hạt đạm ure đầu tiên của nhà máy đạm Cà Mau đã được xuất xưởng. Như vậy, cùng với sản phẩm đạm Phú Mỹ, sắp tới đây, vào tháng đầu tiên của năm mới 2012, sản phẩm urea với thương hiệu “Đạm Cà Mau” sẽ nhanh chóng đến với bà con nông dân trên khắp cả nước, góp phần đảm bảo phân bón cung ứng cho sản xuất nông nghiệp, tạo nên những mùa vàng bội thu.
Để có được kết quả này là sự nỗ lực của tập thể Ban quản lý dự án Khí Điện Đạm Cà Mau, chủ đầu tư là Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam, tổng thầu EPC đã vượt qua nhiều khó khăn thách thức, tập trung cao độ, làm việc không kể ngày đêm để đưa Nhà máy Đạm Cà Mau vận hành đúng tiến độ và đảm bảo chất lượng công trình. Khởi công tháng 10/2008, trải qua 42 tháng thi công quyết liệt, nhà máy đã hoàn thành và cho ra sản phẩm đúng tiến độ. Anh Hoàng Trọng Dũng- Phó Ban quản lý dự án khí điện đạm Cà Mau cho biết, Nhà máy Đạm Cà Mau có tổng vốn đầu tư 900 triệu USD, nằm trong cụm công nghiệp khí - điện - đạm Cà Mau của tỉnh Cà Mau.
Khác với đường ống khí MP3 và Nhà máy Điện Cà Mau do doanh nghiệp trong nước làm tổng thầu, Nhà máy Đạm Cà Mau lại do doanh nghiệp Trung Quốc làm tổng thầu. Đây là vấn đề đã từng làm tốn khá nhiều giấy mực của báo chí. Song theo anh Dũng, nhà thầu Trung Quốc tuy có những hạn chế như chưa chưa hiểu đầy đủ thủ tục, thông lệ quốc tế, ngoại ngữ kém, làm việc phải thông qua phiên dịch, nhưng phải thừa nhận công nhân Trung Quốc làm việc chuyên nghiệp, năng suất cao, ý thức kỷ luật rất tốt. Hơn nữa, do vị trí địa lý, Cà Mau ở xa các trung tâm kinh tế, nên việc tuyển lao động vào đây làm không phải dễ dàng. Bên cạnh đó, với kinh nghiệm từ dự án Nhà máy đạm Phú Mỹ, hợp đồng EPC của Nhà máy đạm Cà Mau được quy định rất cụ thể, chi tiết, theo đó, các thiết bị chính, quan trọng đều phải có xuất xứ từ EU, G7.
Đưa chúng tôi đi thăm Nhà máy đạm Cà Mau, kỹ sư Đào Văn Ngọc- giám đốc công trường nhà máy chia sẻ, xây dựng nhà máy nhiệt điện, nhà máy lọc dầu với công nghệ phức tạp, những thiết bị siêu trường, siêu trọng… đã khó, song xây dựng nhà máy đạm còn khó khăn, phức tạp hơn nhiều. Bởi công nghiệp hóa chất vốn rất phức tạp, công nghệ chế biến đạm có nhiều phản ứng hóa học xảy ra trong dây chuyền, chỉ một mắt xích trong chuỗi dây chuyền bị lỗi là toàn bộ sản phẩm sẽ bị hỏng. Hơn nữa, các dây chuyền hoạt động trong điều kiện nhiệt độ và áp suất cao, với nhiều phản ứng hóa học phức tạp, cùng các hóa chất dễ gây cháy nổ, đặc biệt là hai xưởng Ammonia và Urê (riêng xưởng Amoniac có 6 phản ứng chuyển hóa) nên rất dễ xảy ra sự cố. Vì vậy, công tác an toàn lao động luôn phải đặt lên hàng đầu. Bên cạnh đó là những khó khăn lớn về điều kiện thi công.
Anh Ngọc cho biết, năm 2010, dự án tưởng như đi vào bế tắc, chậm tiến độ đến 76% do không xử lý được nền, bởi nền đất ở đây rất yếu. Tập đoàn đã cùng tổng thầu tìm giải pháp hút chân không xử lý nền, gia cố nền, đóng cọc..., yêu cầu tổng thầu ra sơ đồ tiến độ dự án, trên cơ sở đó đề ra các giải pháp kịp thời. Với sự quyết liệt, giám sát chặt chẽ về tiến độ cũng như chất lượng của chủ đầu tư, dự án nhà máy Đạm Cà Mau đã hoàn thành đúng tiến độ. Ông Hà Hoàng Tân- Giám đốc thi công của tổng thầu Trung Quốc cũng bộc bạch, sự phối hợp giữa tổng thầu và chủ đầu tư rất tốt, có khúc mắc gì là giải quyết ngay. Nhờ sự hỗ trợ hiệu quả chủ đầu tư nên đã đẩy nhanh được tiến độ dự án, đưa nhà máy đạm Cà Mau đi vào hoạt động đúng theo kế hoạch.
Nhà máy đạm Cà Mau với công suất 800.000 tấn phân đạm/năm đi vào hoạt động, cùng với Nhà máy đạm Phú Mỹ, sẽ đáp ứng 80% nhu cầu phân bón trong nước, góp phần đảm bảo an ninh lương thực quốc gia. Nhà máy đạm Cà Mau với công nghệ hiện đại thế hệ thứ ba, cho ra sản phẩm là phân đạm hạt đục, chất lượng cao và ổn định, kích cỡ hạt đạm to nên sẽ chậm tan trong đất, không bị bốc hơi nhanh, có tác dụng tốt cho cây trồng. Cùng với Phân đạm Hà Bắc mở rộng và Ninh Bình, năng lực sản xuất phân đạm trong nước sẽ đạt 2,2 triệu tấn và sẽ tăng lên 2,6 triệu tấn vào năm 2015. Ngoài việc bảo đảm nhu cầu trong nước, Việt Nam sẽ trở thành nước xuất khẩu phân bón trong tương lai gần.
Đất Mũi thay da đổi thịt
Chúng tôi đến Cà Mau vào những ngày cuối của năm 2011. Lần đầu tiên đến với đất Mũi, tôi không khỏi ngỡ ngàng trước cảnh vật nơi đây, với những cây tràm, cây đước man mác hương thơm mà trước đó, tôi chỉ được biết qua sách vở, thi ca. Những khu chợ nổi trên sông với những chiếc ghe cắm sào treo đầy nông sản như lời mời gọi đầy hấp dẫn. Rừng U Minh Hạ âm u với trùng điệp đước, tràm cùng đặc sản là “muỗi đói”. Tôi đã được biết thế nào là “muỗi rừng U Minh” khi đi vào rừng U Minh Hạ, muỗi bay chi chít, đậu xuống khắp người, đuổi không bay đi. Mặc dù được cảnh báo không được mặc váy, nhưng muỗi vẫn cứ đốt xuyên qua cả chiếc quần bò dầy của chúng tôi.
Đưa chúng tôi đi tham quan thành phố là anh Thư- cán bộ của Nhà máy đạm Cà Mau, người Thái Bình, vào làm rể Cà Mau đã trên 30 năm. Chỉ đường phố rộng rãi với hàng cây xanh mướt trên vỉa hè, anh Thư cho biết, từ khi có dự án cụm khí điện đạm Cà Mau, bộ mặt của vùng đất nơi đây đã đổi thay rất nhiều. Các công trình mới mọc lên, cùng với đó là hệ thống giao thông đô thị, trường học, và quan trọng hơn, nhận thức của người dân Cà Mau cũng đã thay đổi. Trước đây, việc học hành không được quan tâm lắm, nhưng từ khi có dự án Cụm khí điện đạm, người dân nơi đây đã chú trọng đến việc học hành của con em, bởi họ hiểu rằng, nếu học được một nghề, thì sẽ có thể được thu nhận vào làm tại các nhà máy này. Nắm bắt được điều này, Trường Đại học Bình Dương đã khai trương cơ sở hai ở Cà Mau và Trường Đại học Tôn Đức Thắng cũng đang xây dựng cơ sở hạ tầng, chuẩn bị chiêu sinh, khai giảng nhằm đào tạo và cung cấp lao động kỹ thuật cao cho Cụm khí điện đạm này.
Giám đốc Sở kế hoạch đầu tư Cà Mau Mai Hữu Chinh cho biết, Cụm công nghiệp Khí- Điện - Đạm có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với tỉnh Cà Mau. Nó không chỉ làm thay đổi bộ mặt của tỉnh mà còn đóng góp đáng kể vào việc chuyển dịch cơcấu kinh tế. Nếu như năm 2005, cơ cấu công nghiệp xây dựng trong tổng sản phẩm của tỉnh chỉ chiếm 24% , nông, ngư, lâm nghiệp là 53%, dịch vụ là 23% thì đến nay cơ cấu công nghiệp trong tổng sản phẩm của tỉnh đã tăng lên 39%, nông, ngư, lâm nghiệp là 37%, dịch vụ là 24%. Cơ cấu sản phẩm công nghiệp của Cà Mau trước đây chủ yếu là chế biến tôm xuất khẩu, nay đã thay thế bằng sản phẩm công nghiệp điện, khí, phân đạm. Hơn nữa, nhờ dự án cụm khí điện đạm, từ một tỉnh nghèo, Cà Mau đã vươn lên trở thành tỉnh trung bình của cả nước. Ngân sách từ cụm công nghiệp này nộp cho tỉnh tăng dần qua các năm, đến nay đã gần bằng 50% số thu nội địa của tỉnh, góp phần rất lớn trong quá trình tự cân đối ngân sách của tỉnh. Dự kiến sau năm 2015, số thu trên địa bàn tỉnh sẽ vượt nhu cầu chi và sẽ nộp về ngân sách trung ương. Cùng với đó, 3 nhà máy của Cụm công nghiệp sẽ là nơi tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao cho tỉnh, có tác động rất lớn đến thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội tỉnh Cà Mau, là động lực lớn để tỉnh tạo đà bứt phá trong những năm tiếp theo.
Tạm biệt Cà Mau. Trên đường ra sân bay, tận hưởng sự thanh bình buổi sớm của thành phố miền Cực Nam đất nước, ngắm những công trình tòa nhà đang xây dựng, tôi mường tượng nơi đây sẽ còn đổi thay rất nhiều trong những năm tới khi Cụm khí điện đạm Cà Mau đã vận hành toàn bộ, tỉnh cũng đang xây dựng chiến lược phát triển Khu kinh tế Năm Căn với nhiều ngành kinh tế chủ chốt như cơ khí, đóng mới và sửa chữa tàu biển, phát triển khu du lịch sinh thái rừng ngập mặn ven biển và du lịch biển đảo, kinh tế cảng… Đất Mũi đang thay da đổi thịt từng ngày.
Lê Kim Liên (công thương điện tử)