Làng nghề - Nghệ nhân
Xuân Tiến (huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định) vốn là xã nông nghiệp nhưng có tới 85% hộ dân có ngành nghề cơ khí, dịch vụ; sản phẩm đã một thời có mặt ở khắp các vùng đất nước. Tuy nhiên, do không có cơ chế cạnh tranh dẫn đến chất lượng sản phẩm ngày càng giảm, HTX dần tan rã. Đến nay, khi thực sự phải lăn lộn trong cơ chế thị trường, người Xuân Tiến đã thực sự đổi đời.

 

Làng sáng tạo


Ông Đinh Tân Việt, Giám đốc Công ty TNHH Cơ Khí Nhật Việt cho biết, mỗi sản phẩm cơ khí của Xuân Tiến đều có một lịch sử ra đời cụ thể gắn với sự sáng tạo không ngừng của người Xuân Tiến. Ví dụ, chiếc máy tuốt lúa liên hoàn, sản phẩm chủ lực của Công ty vốn có xuất xứ từ đồng bằng sông Cửu Long. Tuy nhiên, trước đó nó là một cỗ máy cồng kềnh rất bất tiện và ít chức năng. Lúa tuốt xong rơm thóc lẫn lộn nên người dân mất nhiều công sức để làm tiếp khâu phân loại rơm, thóc. Anh em ông đã nghiên cứu cải tiến để chiếc máy gọn nhẹ hơn, có thể cơ động đưa đi khắp chốn vùng quê, ra đến tận đồng ruộng. Lần đầu tiên chạy thử, chẳng riêng gì người dân mà cả người chế tạo cũng sung sướng tột cùng khi thấy lúa gặt xong cho tất vào là một đầu ra rơm một đầu ra lúa. Ông Đinh Thanh Giang, em trai ông Tân Việt không chỉ mày mò, sáng chế ra máy tuốt lúa liên hoàn mà còn thiết kế chế tạo ra máy trộn bê tông, máy đùn gạch, máy tách ngô, máy bóc lạc. Trong đó, sản phẩm máy tuốt lúa liên hoàn của ông đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp bằng độc quyền sáng chế. Đó chỉ là một trong rất nhiều sản phẩm cơ khí của làng Xuân Tiến.

 
Hiện nay, Xuân Tiến đã sản xuất và chế tạo ra hàng trăm loại máy móc khác nhau. Các loại sản phẩm này đang không chỉ chiếm lĩnh thị trường các tỉnh miền Bắc, miền Trung mà còn xuất khẩu sang Lào, Trung Quốc. Ông Việt khẳng định, khách hàng muốn đặt hàng một chiếc máy mới liên quan đến nghề nông, chưa có trên thị trường cứ việc trình bày ý tưởng, không có gì mà chúng tôi không làm được, trừ khi ý tưởng ấy quá... ảo tưởng.


Khởi sắc từ cụm công nghiệp làng nghề


Cụm công nghiệp Xuân Tiến đã ra đời trên khu đất rộng 15,6 ha với hàng chục công ty, xí nghiệp cùng hoạt động. Nhiều hộ trong xã cũng mở xưởng sản xuất máy đập lúa và các sản phẩm khác. Mục tiêu của cụm công nghiệp làng nghề Xuân Tiến không còn ở mức xoá nghèo mà đang phấn đấu làm giàu. Riêng doanh nghiệp Tân Việt mỗi năm xuất xưởng trung bình 2.000 chiếc máy đập lúa liên hoàn, giá thành dao động từ 10-14 triệu đồng/chiếc. Sau hơn chục năm hình thành cụm công nghiệp làng nghề, bức tranh kinh tế Xuân Tiến còn tươi sáng hơn và số lượng tỷ phú khá lớn. Khó khăn nhất hiện nay là ngành cơ khí phát triển rất mạnh nhưng tiếng ồn và ô nhiễm môi trường cũng rất lớn.

 

 Việc thành lập Cụm công nghiệp Xuân Tiến, vừa tạo điều kiện cho các doanh nghiệp hoạt động tốt hơn, vừa khuyến khích cạnh tranh để phát triển, giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động địa phương. Hiện nay, mỗi năm, các hộ trong xã sản xuất trên 20 loại máy công cụ các loại, trong đó có 4.000 - 4.500 máy tuốt lúa, 1000 - 1200 máy nghiền bột, 200 - 300 máy trộn bê tông. Một số hộ tư nhân đã đầu tư lập công ty. Hàng năm, tỉnh Nam Định đều trích quỹ khuyến công địa phương để hỗ trợ đào tạo nghề cho các doanh nghiệp. Nguồn kinh phí khuyến công Trung ương cũng hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn, chuyển giao công nghệ. Điều đó đã động viên khuyến khích các doanh nghiệp rất nhiều trong việc đầu tư sáng tạo thiết kế những mẫu sản phẩm mới đa dạng phong phú hơn.


Lê Ngọc Loan