Công nhân đang đóng gói sản phẩm cà phê hòa tan ở Công ty cổ phần Vinacafé Biên Hòa. Năm 2010, kinh tế công nghiệp, thương mại trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đã nhanh chóng phục hồi và phát triển theo hướng tích cực, các chỉ tiêu tăng trưởng đều đạt và vượt so mục tiêu kế hoạch đề ra.


Đây chính là tiền đề để tỉnh phấn đấu đến năm 2015, ngành công nghiệp và thương mại tăng quy mô gấp đôi so với hiện nay.

Giữ vững nhịp tăng trưởng

Theo Sở Công Thương tỉnh, trong lĩnh vực công nghiệp, giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh năm 2010 ước đạt hơn 102.400 tỷ đồng, tăng 17,6% so cùng kỳ và đạt 105,3% kế hoạch năm. Trong đó, khu vực quốc doanh tăng 2,9%, khu vực ngoài quốc doanh tăng 19,5% và khu vực đầu tư nước ngoài tăng 20%. Có 8/9 nhóm ngành công nghiệp có mức sản xuất tăng so cùng kỳ. Cụ thể, đó là các ngành công nghiệp khai thác và sản xuất vật liệu xây dựng, chế biến nông sản thực phẩm, dệt, may và giày dép, chế biến gỗ, tre, giấy, xuất bản, hóa chất, cao su và plastic, cơ khí, điện- điện tử. Nhiều sản phẩm công nghiệp chủ yếu trên địa bàn tỉnh có mức tăng trưởng khá so cùng kỳ như quạt điện, đường cát, bột ngọt, thức ăn gia súc, gạch xây các loại, vải các loại, giày thể thao...

Trong lĩnh vực thương mại dịch vụ, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ trên địa bàn tỉnh năm 2010 ước đạt hơn 57.200 tỷ đồng, tăng 26,6% so với năm trước và đạt 100,02% kế hoạch năm. Trong đó, thương mại quốc doanh tăng 18,8%, thương mại ngoài quốc doanh tăng 27,7% và thương mại có vốn đầu tư nước ngoài tăng 19,2%. Các ngành tăng trưởng cao nhất là khách sạn nhà hàng, du lịch lữ hành, thương nghiệp bán lẻ và dịch vụ.

Năm 2010, thị trường giá cả nhiều mặt hàng trên địa bàn tỉnh không có biến động lớn, hàng hóa bày bán trên thị trường đa dạng, phong phú, đáp ứng tốt nhu cầu tiêu dùng của người dân. Các siêu thị, đơn vị kinh doanh bán lẻ trên địa bàn tích cực tạo nguồn dự trữ hàng hóa thiết yếu để phục vụ nhu cầu tiêu dùng dịp Tết Nguyên đán, tiếp tục có những chương trình khuyến mãi, giảm giá, khuyến thích người tiêu dùng dùng hàng Việt Nam chất lượng cao…Bên cạnh đó, công tác quản lý thị trường được tập trung thực hiện quyết liệt, tăng cường kiểm tra xử lý kịp thời các hành vi đầu cơ, găm hàng, nâng giá quá mức quy định đối với các mặt hàng thiết yếu như: gạo, lương thực thực phẩm, xăng dầu, phân bón, xi măng, sắt thép, thuốc chữa bệnh, gas, đường, muối…. Những cố gắng trên đã góp phần làm bình ổn hàng hóa thị trường, kiềm chế lạm phát theo mục tiêu chung của Chính phủ.

Ước kim ngạch xuất khẩu của Đồng Nai năm 2010 đạt 7,1 tỷ USD, tăng 20,5% so với năm trước và đạt 100,9% kế hoạch năm. Trong đó, doanh nghiệp trung ương tăng 8,6%, doanh nghiệp địa phương tăng 12,8% và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của tỉnh tăng so cùng kỳ là: cà phê, mật ong, giày dép, hàng may mặc, hàng mộc tinh chế. Riêng mặt hàng cao su và hạt điều nhân giảm do nguồn nguyên liệu cung cấp cho sản xuất trong nước khan hiếm.

Đến 2015, quy mô công nghiệp và thương mại sẽ tăng gấp đôi năm 2010

Năm 2010 được xem là năm cuối cùng thực hiện kế hoạch 5 năm 2006- 2010 và trên cơ sở thành tựu này, thực hiện theo chỉ thị của UBND tỉnh, Sở Công Thương Đồng Nai xây dựng kế hoạch 5 năm 2011- 2015.


Nhìn lại kết quả 5 năm 2006- 2010, Sở Công Thương Đồng Nai cho rằng, ngành công nghiệp đã tiếp tục phát huy những tiềm năng các thành phần kinh tế trong và ngoài nước. Lĩnh vực thương mại Đồng Nai có những bước phát triển mới cả về ngành nghề, tốc độ, cơ cấu và thành phần kinh tế, các ngành dịch vụ thương mại phát triển khá nhanh. Đây chính là cơ sở để tỉnh Đồng Nai phấn đấu đến năm 2015 giá trị sản xuất công nghiệp tăng 2,1 lần so với năm 2010, đạt tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2011- 2015 là 16%/năm.


Về hoạt động thương mại, dự kiến đến năm 2015 tổng mức bán lẻ sẽ tăng 3,05 lần so với năm 2010 với tốc độ tăng bình quân mỗi năm 25%. Đồng thời, tổng kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn tỉnh cũng sẽ đạt 34,514 tỷ USD, trong đó xuất khẩu đạt 16,771 tỷ USD (tăng hơn 2 lần năm 2010) và nhập khẩu đạt 17,743 tỷ USD (tăng 1,9 lần năm 2010). Để thực hiện mục tiêu trên nhằm giảm thâm hụt các cân mậu dịch của tỉnh, Đồng Nai sẽ tập trrung đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng có lợi thế cạnh tranh, chuyển dịch cơ cấu xuất khẩu theo hướng nâng tỷ trọng xuất khẩu các mặt hàng có giá trị gia tăng cao; tăng sản phẩm đã qua chế biến, sản phẩm có hàm lượng công nghệ, giảm dần tỷ trọng hàng xuất khẩu thô.

Theo ông Lê Văn Dành, Giám đốc Sở Công Thương Đồng Nai, trong giai đoạn 2011- 2015, ngành công thương tỉnh sẽ tập trung vào 6 nội dung trọng tâm bao gồm: Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu ngành công nghiệp theo hướng ưu tiên kêu gọi các tập đoàn kinh tế lớn có tiềm năng về công nghệ, thị trường và vốn đầu tư; Khuyến khích đầu tư vào các ngành công nghiệp kỹ thuật cao, các sản phẩm có hàm lượng công nghệ, có giá trị gia tăng cao như cơ khí, thiết bị điện, điện tử, công nghệ thông tin, viễn thông, vật liệu mới; Phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ, tăng tỷ lệ nội địa hóa gắn với các ngành sản xuất linh kiện, phụ kiện… tạo bước chuyển biến mạnh về chất trong phát triển ngành công nghiệp Đồng Nai; Ưu tiên phát triển ngành công nghiệp chủ lực, công nghiệp có lợi thế so sánh, sử dụng nguồn nguyên liệu tại chỗ, nhất là nguyên liệu từ nông nghiệp, các ngành nghề truyền thống; Hỗ trợ khôi phục và phát triển các làng nghề, khuyến khích các hộ gia đình, tư nhân, hợp tác xã, doanh nghiệp vừa và nhỏ đầu tư phát triển các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp đa dạng, đáp ứng nhu cầu tại chỗ và tham gia xuất khẩu; Duy trì phát triển các ngành công nghiệp có lợi thế so sánh xuất khẩu như dệt, may mặc, giày da theo quy hoạch chung của cà nước, theo hướng khuyến khích, ưu tiên phát triển các ngành dệt may, giày dép đầu tư về nông thôn, vùng sâu, vùng xa; Đẩy mạnh chuyển từ gia công sang sản xuất, xuất khẩu trực tiếp nhằm nâng cao giá trị và khả năng cạnh tranh ngành hàng; Cuối cùng, tỉnh sẽ tập trung và đẩy mạnh xuất khẩu những sản phẩm chủ lực thuộc nhóm công nghiệp chế biến, chế tạo và các sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao, có lợi thế cạnh tranh để nâng cao hiệu quả xuất khẩu; thực hiện các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao chất lượng và giá trị hàng hoá xuất khẩu đối với các mặt hàng truyền thống.

Ông Dành cũng lưu ý, ngành công thương Đồng Nai sẽ bám sát định hướng chiến lược phát triển dịch vụ đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, kế hoạch phát triển dịch vụ của tỉnh đề ra để tiếp tục phát triển mạnh dịch vụ, trong đó ưu tiên phát triển các ngành dịch vụ chất lượng cao (tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, đào tạo, viễn thông, y tế); dịch vụ sản xuất nông nghiệp và khu công nghiệp.
 

Tấn Hùng, Báo Công Thương điện tử