Việc triển khai các hoạt động khuyến công cũng gặp nhiều khó khăn do cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn trên địa bàn hầu hết có quy mô nhỏ lẻ, phân bố rải rác ở các huyện, thị; hầu hết rất hạn chế về năng lực tài chính cũng như năng lực về quản lý sản xuất kinh doanh… Năm 2013, thực hiện chương trình khuyến công địa phương Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại Tuyên Quang đã phối hợp với Công ty TNHH Việt Dũng xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất gỗ bóc xuất khẩu. Đây là mô hình TDKT nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng ván gỗ bóc với khối lượng lớn của thị trường trong nước cũng như xuất khẩu.
Được hỗ trợ kinh phí từ nguồn kinh phí khuyến công địa phương, Công ty TNHH Việt Dũng đã hoàn thành giai đoạn I dự án đầu tư dây chuyền sản xuất gỗ bóc với các thiết bị máy móc, công nghệ sản xuất tiên tiến nâng cao được giá trị sử dụng của gỗ rừng trồng đồng thời tạo việc làm cho 20 lao động địa phương có thu nhập ổn định với mức lương trung bình 3 triệu đồng/tháng. Bên cạnh đó, với thành công của Mô hình này cũng tạo cơ hội thuận lợi cho Công ty ổn định và tiếp tục mở rộng sản xuất. Dự kiến, Công ty sẽ tiếp tục đầu tư, lắp đặt dây chuyền băm răm và sản xuất gỗ làm bao bì với mục tiêu là tiết kiệm tối đa nguồn nguyên liệu, tạo thêm việc làm cho 18 lao động thường xuyên.
Tại Hội nghị giới thiệu mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất gỗ bóc xuất khẩu (ngày 29/11/2013), anh Đặng Việt Dũng – Giám đốc Công ty TNHH Việt Dũng đã cảm động cho biết: Là một doanh nghiệp ở huyện Na Hang, tỉnh Tuyên Quang, tuy nhiên việc nắm bắt và hiểu về khuyến khích phát triển công nghiệp nông thôn chưa được nhiều. Được sự tư vấn, hướng dẫn của các cán bộ Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại Tuyên Quang, ban đầu tôi thấy còn nhiều bỡ ngỡ và khó khăn. Tuy nhiên, khi bắt tay vào thực hiện tôi đã thực sự cảm thấy tự tin và rất vui!!! Vui vì đã có có sự quan tâm của Trung ương, Tỉnh đến những vùng sâu, vùng xa, vùng hẻo lánh như chúng tôi.
Đây là sự khích lệ, động viên lớn lao, tuyệt vời nhất đối với Công ty chúng tôi! Để có một xưởng sản xuất, tạo việc làm thường xuyên cho trên 20 lao động trực tiếp là cả bài toán khó khăn. Ngoài việc đảm bảo mức lương hàng tháng, sản phẩm làm sao tiêu thụ, được thị trường chấp nhận là những mối lo thường trực... Không sợ khó, khổ, mà chỉ sợ trong thời điểm hiện nay, nỗ lực là một phần, cơ chế chính sách thông thoáng, hành lang pháp lý cho phép nhưng thực sự doanh nghiệp như chúng tôi vẫn còn rất nhiều lúng túng. Với những hỗ trợ, động viên một cách kịp thời của chương trình khuyến công, doanh nghiệp chúng tôi như được chắp cánh, tiếp thêm sức lực.
Thông qua Hội nghị giới thiệu mô hình TDKT, tôi đã được rất nhiều những ý kiến đóng góp từ bạn hàng, từ các cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn, các doanh nghiệp cùng và khác ngành nghề, đã cho tôi một ý thức, cách nhìn và tạo ra hướng chuyển đổi mới trong kế hoạch sản xuất kinh doanh được tốt hơn. Tôi mong rằng, những doanh nghiệp tiên phong như chúng tôi sẽ nhận được sự động viên nhanh chóng, kịp thời và có nhiều cơ hội hơn nữa trong việc phát triển công nghiệp nông thôn trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang nói riêng và cả nước nói chung.
Thành công của Mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất gỗ bóc xuất khẩu ở Công ty TNHH Việt Dũng cũng là cơ sở thuận lợi để khuyến công Tuyên Quang nhân rộng với các cơ sở sản xuất CNNT trên địa bàn.
Trần Đức Giang (KC Tuyên Quang)