Trong khuôn khổ Festival Cồng chiêng quốc tế năm 2009 tại Gia Lai diễn ra từ ngày 12 đến 15/11, sáng 12/11, tại công viên Lý Tự Trọng, thành phố Plei Ku, sở Công thương Gia Lai đã khai mạc Hội làng nghề tiểu thủ công nghiệp của nhân dân các dân tộc thiểu số trong tỉnh với hàng chục nhóm sản phẩm được giới thiệu, bày bán.

Đây được xem là cơ hội để các làng nghề của tỉnh Gia Lai quảng bá, giới thiệu các sản phẩm rất độc đáo đến người tiêu dùng, nhất là khách đến từ các địa phương khác trong nước, khách nước ngoài. Chỉ sau năm 2004, các làng nghề ở tỉnh Gia lai mới bắt đầu được quan tâm phát triển. Các cấp, các ngành đã thông qua chương trình khuyến công tổ chức đào tạo, truyền các nghề: dệt thổ cẩm, sản xuất các nhạc cụ, đan các sản phẩm xuất khẩu…từ nguồn nguyên liệu là mây, tre, nứa, lá rất phong phú và dồi dào của địa phương cho số đông bà con tại các bản làng. Cho đến nay tỉnh Gia Lai đã có 1.000 lao động là bà con các dân tộc thiểu số được đào tạo các nghề truyền thống.Trong số này, đã có 500 lao động được bố trí vào 5 hợp tác xã và 5 cơ sở làng nghề ở các xã Ia Phìn, Ia Lâu huyện Chư Prông, 1 cơ sở ở phường Thắng Lợi, thành phố Plei Ku, 1 ở xã Glar huyện Đăk Đoa, 1 ở thị trấn Kon Dờng huyện Mang Yang với tổng kinh phí đầu tư 7,6 tỷ đồng, trong đó kinh phí đầu tư cho đào tạo nghề là 1,3 tỷ đồng và kinh phí xây dựng cở sở làng nghề là 6,3 tỷ đồng.

Sau những nỗ lực này, các làng nghề của đồng bào các dân tộc thiểu số hoạt động khá bài bản, nhiều sản phẩm gắn với hoạt động du lịch để làm quà tặng, đã được bán rộng rãi ở thị trường trong và ngoài tỉnh, mang lại hiệu quả kinh tế nhất định, mang lại thu nhập 1 triệu đồng/ tháng cho một lao động. Một số ít sản phẩm đã được xuất khẩu thông qua doanh nghiệp ở tỉnh Khánh Hoà, thành phố Hồ Chí Minh.

Tuy nhiên, theo đánh giá của Sở Công Thương Gia Lai thì khó khăn nhất hiện nay để các làng nghề truyền thống mở rộng và phát triển là nguồn vốn hạn chế, không đáp ứng nhu cầu của làng nghề nên hoạt động làng nghề vẫn mang tính nhỏ lẻ, manh mún, khả năng tiếp cận thị trường của các tổ chức làng nghề còn yếu... Để khắc phục tình trạng này, chính quyền các cấp của địa phương cần chỉ đạo chặt chẽ việc xây dựng qui hoạch, lập dự án chi tiết về phát triển các làng nghề, trong đó ưu tiên các làng nghề sử dụng nguồn nguyên liệu sẵn có, nguồn lao động nhàn rỗi tại địa phương, bố trí nguồn kinh phí đầu tư thích đáng cho công tác xúc tiến thương mại, tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.
 

Nguồn: Báo CT