Bên cạnh những khó khăn vẫn còn tồn tại, quý I năm 2013, nền kinh tế thế giới nói chung và tỉnh Bình Dương nói riêng đã có dấu hiệu khởi sắc, tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp hiện có xu hướng thuận lợi hơn. Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 07/01/2013 nhằm giúp các doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn trong sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu.


Tỷ giá và lạm phát đã ổn định, lãi suất ngân hàng giảm so với cùng kỳ (hiện đang ở mức 12,5 - 13%/ năm), giá nguyên vật liệu ổn định. Các thị trường có dấu hiệu phục hồi, như thị trường Mỹ, EU, Hàn Quốc, v.v… đặc biệt thị trường Nhật Bản mở ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng nổ lực trong việc tìm kiếm thị trường mới; lực lượng lao động ổn định, tỷ lệ công nhân quay trở lại làm việc sau Tết tương đối cao (đạt tỷ lệ 80 - 95%). Hầu hết các doanh nghiệp đã có đơn hàng đến hết quý II năm 2013, riêng các doanh nghiệp lớn đã có đơn hàng đến cuối năm (Công ty TNHH Nam Bình, Công ty TNHH Minh Long I, Công ty TNHH một thành viên May mặc Bình Dương, Công ty CP Sáng Ban Mai, v.v...). Doanh thu của các doanh nghiệp tăng khá so với cùng kỳ. Trong đó, doanh nghiệp nhà nước ước tăng 23%, trong đó doanh thu xuất khẩu tăng 0,4%; doanh nghiệp ngoài quốc doanh tăng 32,4%, trong đó doanh thu xuất khẩu tăng 32,2%; doanh nghiệp đầu tư nước ngoài tăng 21,2%, trong đó doanh thu xuất khẩu tăng 31,2%.

Chỉ số sản xuất công nghiệp quý I/2013 ước tăng 5,9% so với cùng kỳ. Trong đó: ngành công nghiệp sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước, và điều hòa không khí tăng 13,5%; ngành công nghiệp cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 6,0%; ngành chế biến, chế tạo tăng 5,9%; ngành khai khoáng tăng 4,5%.

Theo loại hình kinh tế: Giá trị sản xuất công nghiệp quý I năm 2013 ước thực hiện 29.906,0 tỷ đồng, tăng 9,1% so với cùng kỳ, đạt 18,2% so với kế hoạch năm. Trong đó: khu vực kinh tế trong nước ước thực hiện 9.544,7 tỷ đồng, tăng 7%; khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài là 20.361,3 tỷ đồng, tăng 10,1%.

Theo ngành công nghiệp: tăng cao nhất tại ngành công nghiệp chế biến (29.609 tỷ đồng, tăng 9,1% so với cùng kỳ); ngành công nghiệp sản xuất và phân phối điện, khí đốt và nước (60 tỷ đồng, tăng 5,4%); tăng thấp nhất tại ngành công nghiệp khai thác ( 237 tỷ đồng, tăng 3,2%).

Theo giá so sánh năm 2010: Giá trị sản xuất công nghiệp quý I năm 2013 ước thực hiện 72.545 tỷ đồng, tăng 9,6% so với cùng kỳ. Trong đó: công nghiệp sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí 1.840 tỷ đồng, tăng 31,3%; công nghiệp chế biến, chế tạo 70.350 tỷ đồng, tăng 9,3%; công nghiệp cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải 165 tỷ đồng, giảm 8%; công nghiệp khai khoáng 190 tỷ đồng, giảm 17,6%.

Trong quý, các mặt hàng sản xuất chủ yếu của tỉnh có sản lượng tăng cao như sắt thép (+38,5%); giày dép thể thao (+35%); xà phòng (+31,4%); sản phẩm bằng cao su, plastic (+20,3%; quần áo người lớn (+14,5%), v.v... Bên cạnh đó, có một số mặt hàng giảm mạnh như quạt điện (-59,5%); thuốc diệt cỏ (-23,8%); thuốc trừ sâu (-22,6%); thức ăn gia súc (-22,5%); v.v...

Riêng tháng 3/2013, tình hình sản xuất công nghiệp tháng tăng cao, tất cả các mặt hàng sản xuất chủ yếu của tỉnh đều tăng so với tháng trước là do các doanh nghiệp đã trở lại sản xuất kinh doanh bình thường và tháng 02/2013 sản xuất công nghiệp đạt các kết quả khá thấp do có thời gian nghỉ Tết nguyên đán dài.

Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 3/2013 ước tăng 55,4% so với tháng trước

Theo loại hình kinh tế: Giá trị sản xuất công nghiệp tháng 3 năm 2013 ước thực hiện 10.276 tỷ đồng, tăng 27,2% so với tháng trước. Theo giá so sánh năm 2010: Giá trị sản xuất công nghiệp tháng 3 năm 2013 ước thực hiện 26.373 tỷ đồng, tăng 47,9% so với tháng trước.

Với những dấu hiệu khả quan về tình hình sản xuất của các doanh nghiệp trong quý I/2013 sẽ là một khởi đầu thuận lợi để các doanh nghiệp nói riêng cũng như ngành Công Thương nói chung hoàn thành kế hoạch năm 2013.

 

Sở Công Thương tỉnh Bình Dương