Hoạt động xuất nhập khẩu trong giai đoạn 2006-2010 đã đạt được những thành tựu đáng kể, tuy vẫn gặp phải những khó khăn nhất định. Bộ Công Thương đang xây dựng Chiến lược xuất khẩu giai đoạn 2011-2020, tầm nhìn 2030, trong đó có đề cập đến những giải pháp tăng cường xuất khẩu, giảm nhập siêu. Nhân dịp năm mới, phóng viên Tạp chí Công nghiệp đã có cuộc trao đổi với Thứ trưởng Nguyễn Thành Biên xung quanh vấn đề này.


PV: Xin Thứ trưởng cho biết đôi nét về hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam trong 5 năm qua?

Thứ trưởng Nguyễn Thành Biên: Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu bình quân cả giai đoạn 2006-2010 là 17,3%/năm, cao hơn 1,3% so với với chỉ tiêu Đại hội X và Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2006-2010 đặt ra (tăng trưởng 16%/năm).

Năm 2011, tỷ trọng nhập khẩu nhóm hàng nguyên, nhiên, phụ liệu phục vụ sản xuất ở mức cao, tỷ trọng nhóm hàng tiêu dùng giảm dần, là kết quả của sự phát triển của sản xuất trong nước đã bước đầu đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong nước, thay thế dần nhập khẩu.

Tốc độ tăng trưởng nhập khẩu thấp hơn so với tốc độ tăng trưởng xuất khẩu góp phần cải thiện cán cân thương mại. Nhập siêu được kiềm chế ở mức khoảng 10 tỷ USD với tỷ lệ nhập siêu ở mức 10,4%, thấp nhất so với 10 năm trước đó và thấp hơn nhiều so với chỉ tiêu kế hoạch theo Nghị quyết của Quốc hội (18%) và chỉ tiêu phấn đấu của Chính phủ (16%).

Kim ngạch nhập khẩu hàng hoá giai đoạn 2006-2010 khoảng 343 tỷ USD, tăng gấp 3 lần so với tổng kim ngạch nhập khẩu giai đoạn 2001-2005 (130,1 tỷ USD), với tốc độ tăng bình quân 18%/năm. Về cơ cấu nhập khẩu, nhóm nguyên - nhiên - vật liệu chiếm tỷ trọng khoảng 78%, nhóm hàng tiêu dùng chiếm tỷ trọng khoảng 7%.

Nhập siêu trong 5 năm 2006-2010 ước tính 64,7 tỷ USD và tăng bình quân 24,5%/năm là mức khá cao, đặc biệt trong 2 năm 2007 và 2008. Trong 2 năm cuối 2009 - 2010, nhập siêu bắt đầu giảm dần, tỷ lệ nhập siêu/kim ngạch xuất khẩu năm giảm từ 28,8% năm 2008 xuống còn 17,5% năm 2010 tương đương với 12,6 tỷ USD. Như vậy, mục tiêu đặt ra trong Chiến lược xuất khẩu đến 2010, Việt Nam xuất siêu hơn 500 triệu USD đã không thực hiện được.

PV: Theo các chuyên gia, hoạt động xuất nhập khẩu trong 10 năm qua đã có nhiều đóng góp cho sự phát triển của đất nước, song vẫn còn nhiều hạn chế. Thứ trưởng có ý kiến gì về vấn đề này?

Thứ trưởng Nguyễn Thành Biên: Nhìn lại cả giai đoạn 2001-2010, cấu trúc hàng hóa trong xuất nhập khẩu dường như không có bước đột phá. Xuất khẩu của ta dựa chủ yếu vào tài nguyên thiên nhiên (dầu thô, than đá), các mặt hàng nông sản (thủy sản, gạo, hạt tiêu, cao su...) và các mặt hàng sử dụng nhiều nhân công trong quá trình sản xuất. Cơ cấu xuất khẩu của 50 mặt hàng có giá trị xuất khẩu lớn nhất không ổn định, dù đang có sự chuyển dịch tích cực bước đầu về các mặt hàng (dây điện, cáp điện, điện tử, máy tính...) thâm dụng vốn, đòi hỏi trình độ sản xuất tay nghề cao hơn.

Có thể nói rõ hơn là cơ cấu mặt hàng xuất khẩu chưa hợp lý, về thực chất vẫn chuyển dịch theo chiều rộng mà chưa đi vào chiều sâu, chủ yếu dựa vào lợi thế so sánh sẵn có mà chưa khai thác được lợi thế cạnh tranh thông qua việc xây dựng và phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ để hình thành chuỗi giá trị gia tăng xuất khẩu lớn.

Mặt khác, khả năng chủ động nắm bắt những cơ hội thuận lợi để thâm nhập và khai thác các thị trường xuất khẩu còn nhiều hạn chế. Do đó, năng lực cạnh tranh còn yếu kém ở cả 3 cấp độ (nền kinh tế, doanh nghiệp và mặt hàng xuất khẩu). Hoạt động của mạng lưới cơ quan đại diện, đặc biệt các thương vụ ở nước ngoài chưa thực sự hỗ trợ tốt cho hoạt động xuất khẩu, các chương trình xúc tiến thương mại nhỏ lẻ, rời rạc hiệu quả chưa cao.

Những hạn chế này chúng tôi đã đánh giá và đưa ra giải pháp khắc phục trong Chiến lược xuất khẩu giai đoạn 2011-2020, tầm nhìn 2030 do Bộ Công Thương đang xây dựng.

PV: Xin Thứ trưởng nói rõ hơn về những giải pháp khắc phục tình trạng đó?

Thứ trưởng Nguyễn Thành Biên: Mục tiêu giai đoạn 2011-2015, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu bình quân 12,1%/năm. Phấn đấu đến năm 2015, kim ngạch xuất khẩu đạt 133 tỷ USD. Kim ngạch nhập khẩu tăng khoảng 11,5%/năm, dự kiến là 146 tỷ USD vào năm 2015. Như vậy, nhập siêu năm 2015 khoảng 9,8% so với kim ngạch xuất khẩu.

Để thực hiện được mục tiêu này, Chiến lược đã đề ra một số giải pháp sau:

Về xuất khẩu: Ban hành Chiến lược xuất khẩu giai đoạn 2011-2020, tầm nhìn 2030, trên cơ sở đó hình thành mới những sản phẩm, nhóm sản phẩm xuất khẩu chủ lực của 5 năm 2011-2015. Xây dựng Luật Quản lý ngoại thương; Tăng cường năng lực thiết kế mẫu mốt, kiểu dáng sản phẩm xuất khẩu và có chính sách đầu tư nhằm đáp ứng một số loại nguyên, phụ liệu chủ yếu cho sản xuất hàng xuất khẩu; Khai thác mọi nguồn lực để đầu tư các dự án sản xuất hàng xuất khẩu và phát triển sản xuất sản phẩm xuất khẩu để tăng năng lực sản xuất và chủ động nguồn hàng; Xây dựng Chiến lược Xúc tiến thương mại theo hướng tập trung cho các chương trình lớn, mang tầm quốc gia tới các thị trường nhập khẩu lớn, có nhiều tiềm năng đối với hàng hoá của Việt Nam; kết hợp thông tin, quảng bá thông qua các kênh truyền thông lớn của quốc tế; Phát triển mạnh mẽ thương mại điện tử, đẩy nhanh các hoạt động thuận lợi hóa thương mại, thương mại phi giấy tờ, hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu giảm chi phí giao dịch.

Về nhập khẩu: Tập trung đầu tư sản xuất các sản phẩm có khả năng cạnh tranh với sản phẩm nhập khẩu để chiếm lĩnh dần thị trường trong nước; Đề ra các chính sách khuyến khích mạnh mẽ để hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu tận dụng các điều kiện thuận lợi từ các cam kết, thỏa thuận kinh tế - thương mại quốc tế, nhằm đẩy mạnh xuất khẩu vào các thị trường hiện có mức nhập siêu lớn, đặc biệt là thị trường Trung Quốc; Đẩy nhanh quá trình xây dựng và sử dụng hợp lý các hàng rào kỹ thuật.

PV: Xu hướng hiện nay, các sản phẩm “xanh”, thân thiện môi trường sẽ có tính cạnh tranh cao hơn khi xuất khẩu. Vậy Thứ trưởng có lời khuyên gì cho các doanh nghiệp?

Thứ trưởng Nguyễn Thành Biên: Để xuất khẩu hàng hóa vào thị trường quốc tế, bắt buộc doanh nghiệp Việt Nam phải có các chứng nhận đạt tiêu chuẩn bảo vệ môi trường. Thế nhưng, để có thể trụ vững và cạnh tranh được trên thị trường quốc tế thì ngoài việc sản phẩm phải đảm bảo chất lượng, giá thành thấp, việc thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường, sản phẩm đạt tiêu chí sản phẩm “xanh”, thân thiện với môi trường, là một yếu tố rất quan trọng.

Trong chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia năm 2010 và định hướng đến 2020, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đến năm 2020 phải có 100% sản phẩm hàng hóa xuất khẩu, 50% hàng hóa tiêu thụ nội địa sẽ ghi nhãn sản phẩm sinh thái theo tiêu chuẩn ISO 14024.

Không chỉ ở các nước tiên tiến, phát triển mới quan tâm đến việc lựa chọn sản phẩm “xanh” mà ở các nước đang phát triển, người tiêu dùng cũng đã bắt đầu quan tâm nhiều hơn đến các sản phẩm “xanh”. Vì vậy, ngày càng có nhiều người tiêu dùng sẵn sàng chi nhiều tiền hơn cho một sản phẩm cùng loại, nhưng được sản xuất bằng công nghệ xanh từ nguồn nguyên liệu xanh. Thực tế cho thấy, sản phẩm “xanh” có thể đắt hơn một chút trước mắt, nhưng lại rẻ hơn nếu sử dụng lâu dài và sức khỏe được bảo vệ.

Do đó, đưa công nghệ xanh vào sản xuất sẽ giúp doanh nghiệp tiết kiệm được năng lượng, nguồn nguyên liệu và góp phần bảo vệ môi trường, đây chính là tiêu chí để doanh nghiệp phát triển bền vững và là mối quan tâm hàng đầu của doanh nghiệp. Để sản xuất ra sản phẩm “xanh” không khó, quan trọng là doanh nghiệp có ý thức để xắn tay vào làm hay không. Đầu tư ban đầu có thể tốn kém chi phí, nhưng về lâu dài, doanh nghiệp sẽ được lợi rất nhiều từ việc sản xuất sản phẩm “xanh”, đặc biệt là trong lĩnh vực xuất khẩu.

PV: Trân trọng cảm ơn Thứ trưởng về cuộc trao đổi này!

 

IRV: Hồ Nga (thực hiện)