Đó là chủ đề hội thảo do Hội các nhà quản trị doanh nghiệp Việt Nam (VACD), Viện Nghiên cứu và đào tạo về quản lý (Vim) và Công ty Công nghệ quản lý và Tin học (Informa) vừa tổ chức tại Hà Nội.


Mục tiêu của chương trình là góp phần hoàn thiện khung khổ pháp lý và thể chế cho tổ chức và quản trị doanh nghiệp, tạo ra các chuẩn mực, các quy tắc, các giá trị trong hoạt động quản trị và điều hành doanh nghiệp. Tham dự hội thảo có đại diện Bộ Kế hoạch và đầu tư, Các viện nghiên cứu, các trường đại học, các hiệp hội và hơn 150 đại biểu là chủ tịch hội đồng quản trị,tổng giám đốc, giám đốc các doanh nghiệp, các chuyên gia kinh tế. Ngân hàng Quân đội MB là nhà tài trợ chính cho Hội thảo này. Tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung vào các thảo luận các vấn đề như: chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp; vướng mắc pháp lý về tổ chức và quản lý công ty cổ phần trong pháp luật Việt Nam hiện hành; những khó khăn về quản trị doanh nghiệp khi chuyển đổi mô hình doanh nghiệp sang công ty TNHH một thành viên...


Ông Nguyễn Trọng Hiệu, Cục phó Cục Phát triển doanh nghiệp, cho biết, tính đến nay, doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) chiếm đến 97% tổng số doanh nghiệp cả nước, giải quyết trên 50,1% lao động và đóng góp hơn 40% GDP của cả nước.Tuy nhiên, khó khăn chung của các DNNVV hiện nay là tình trạng thiếu vốn, khó tiếp cận đất đai, mặt bằng, công nghệ kỹ thuật lạc hậu, quản trị doanh nghiệp yếu, thị trường nhỏ… Bên cạnh đó, hệ thống pháp luật còn thiếu, chồng chéo, tính hiệu lực và minh bạch chưa cao, hay thay đổi nên khó tìm hiểu, áp dụng… Theo ông Hiệu, cần phải có cơ chế trợ giúp tài chính cho doanh nghiệp thông qua các quỹ bảo lãnh tín dụng, quỹ phát triển DNNVV, cho vay ưu đãi. Đồng thời, chính quyền địa phương cần dành quỹ đất làm mặt bằng sản xuất, kinh doanh cho doanh nghiệp, sớm có quy hoạch mạng lưới cụm công nghiệp, làng nghề cho doanh nghiệp hoạt động. Ngoài ra, công tác đổi mới nâng cao kỹ thuật; xúc tiến mở rộng thị trường, đào tạo nguồn nhân lực… cũng cần được chú ý đầu tư.


Vấn đề đáng chú ý hiện nay là công tác trợ giúp phát triển DNNVV còn ít kinh nghiệm, triển khai khó khăn, nhiều doanh nghiệp chưa tiếp cận được. Vừa qua, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp. Tuy nhiên, qua khảo sát 2.000 doanh nghiệp thì có đến 70%-80% doanh nghiệp trả lời không biết gì về các chính sách hỗ trợ của Chính phủ. Vì vậy, theo Tiến sĩ Hàn Mạnh Tiến- Chủ tịch Hội Các nhà quản trị doanh nghiệp Việt Nam (VACD), đối với các chính sách hỗ trợ, nếu triển khai không cẩn thận sẽ là cơ hội cho nhiều cơ quan đầu cơ thông tin, dễ dẫn đến tiêu cực.


Bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam, cho biết, nếu các doanh nghiệp nắm bắt đầy đủ thông tin và thực hiện đầy đủ các thủ tục để được hưởng các chính sách giảm, giãn thuế thì sẽ mang lại cho doanh nghiệp hàng tỷ đồng. Một trong những chính sách hỗ trợ nhiều nhất cho doanh nghiệp hiện nay là việc giảm, giãn thuế. Theo bà Cúc, ngoài việc DNNVV được giảm 30% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của quý IV năm 2008 và cả năm 2009, doanh nghiệp còn được gia hạn thời gian nộp thuế thu nhập doanh nghiệp phát sinh trong năm 2009 thêm 9 tháng nữa. Mới đây nhất, DNNVV được gia hạn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2010 thêm 3 tháng nữa. Như vậy thời gian nộp thuế của quý I có thể kéo dài đến 30/7, quý II đến 30/10, quý II đến 31/1/2011 và quý IV đến 30/4/2011.

Cũng tại hội thảo này, VSCD cũng đã giới thiệu và đưa vào vận hành phiên bản mới Nhà quản lý Online www.nhaquanly.vn , bằng các giải pháp hết sức sáng tạo và độc đáo, nhà quản lý online cung cấp, cập nhật, hệ thống hóa một khối lượng thông tin kiến thức khổng lồ liên quan đến quản lý và các công cụ, kỹ năng hỗ trợ quá trình ra các quyết định quản lý. 


 

Kim Liên, Báo Công Thương điện tử