Là một trong những đơn vị sản xuất chè lâu năm của tỉnh Thái Nguyên, Hợp tác xã chè Hảo Đạt đã có nhiều thay đổi trong những năm qua, tập trung vào việc nâng cao chất lượng và thương hiệu chè đặc sản của vùng.
Đặc biệt, khi nền kinh tế chuyển đổi sang cơ chế thị trường, đã tạo ra nhiều khó khăn và thách thức cho doanh nghiệp, đòi hỏi những sự thay đổi trong cơ cấu sản xuất cũng như chất lượng mẫu mã sản phẩm chè. Trước tình hình ấy, nhu cầu nâng cấp, cải tiến công nghệ sản xuất chè của doanh nghiệp là điều cần thiết và với sự hỗ trợ từ trung tâm khuyến công địa phương, hợp tác xã chè Hảo Đạt đã mạnh dạn đầu tư và ứng dụng các công nghệ mới vào dây chuyền của mình.
Phỏng vấn Bà Đào Thanh Hảo - Giám đốc HTX Chè Hảo Đạt, Tân Cương, Thái Nguyên cho biết: Trước đây, so với các vùng trồng chè khác trên cả nước, năng suất chè của Thái Nguyên không cao, chỉ đạt khoảng 7 tấn/ha. Và 70% sản lượng chè của tỉnh được tiêu thụ tại thị trường trong nước, chủ yếu là chè rời, chất lượng thấp. So sánh với các biện pháp sản xuất thủ công và dây chuyền cũ, việc đưa vào ứng dụng các hệ thống máy móc, thiết bị mới đã được Trung tâm khuyến công hỗ trợ rất tốt cho doanh nghiệp trong quy trình sản xuất, nâng cao được năng suất và chất lượng sản phẩm.
Đối với hợp tác xã chè Hảo Đạt, ngoài những thiết bị được hỗ trợ, thì doanh nghiệp cũng mạnh dạn trong việc tự đầu tư, thử nghiệm một số máy móc thiết bị mới trong quy trình chế biến, xử lý chè. Có thể ví dụ như các máy xay chè, xao chè đã được cải tiến trong vài năm gần đây và mang lại hiệu quả thiết thực trong sản xuất.
Như vậy có thể thấy, vấn đề cải tiến trang thiết bị là rất quan trọng đối với các doanh nghiệp sản xuất chè. Vậy các doanh nghiệp có thể nhận được những hỗ trợ như thế nào từ phía các chính sách của nhà nước, để có thể thuận lợi đầu tư cho quy trình sản xuất.
Để hỗ trợ cho các doanh nghiệp sản xuất, chế biến chè tại địa phương, những năm qua Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh Thái Nguyên đã có những hỗ trợ đối với nhiều đơn vị, từ chi phí đầu tư trang thiết bị, công nghệ mới, cho đến việc hỗ trợ tư vấn, cải thiện chất lượng, thương hiệu sản phẩm chè.
Kể từ năm 2008 đến nay, Khuyến công Thái Nguyên đã dành hơn 3 tỷ đồng, trong đó kinh phí khuyến công quốc gia là hơn 1,7 tỷ, còn lại là kinh phí địa phương để trực tiếp hỗ trợ cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh chè. Với 28 đề án đã được triển khai, bao gồm: 8 đề án dạy nghề chế biến chè với tổng số gần 1.500 lao động được đào tạo, 5 đề án xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, 13 đề án hỗ trợ ứng dụng thiết bị, máy móc vào sản xuất…
Theo Ông Bùi Anh Tuấn – PGĐ Trung tâm Khuyến công và Tư vấn PTCN tỉnh Thái Nguyên thì: Hiện nay, trên địa bản tỉnh Thái Nguyên, phần lớn các doanh nghiệp sản xuất chè đều tích cực trong việc đổi mới, cải tiến công nghệ, không chỉ là áp lực thay đổi thiết yếu từ phía thị trường, xã hội, những chính sách hỗ trợ phù hợp từ phía các đơn vị quản lý nhà nước, cũng đã góp phần khuyến khích, đẩy mạnh phong trào sản xuất công nghiệp tại địa phương.
Việc cải tiến trang thiết bị là rất quan trọng đối với các doanh nghiệp sản xuất chè, tuy nhiên vấn đề thương hiệu đối với các sản phẩm chè còn quan trọng hơn, chính vì vậy phải làm sao để phát triển thương hiệu chè Thái Nguyên vẫn luôn là điều mà các doanh nghiệp tại Tỉnh trăn trở.
Chè Thái Nguyên là một trong những đặc sản nổi tiếng và rất đỗi thân quen với mỗi người dân Việt Nam. Trong đó, vùng chè Tân Cương được coi là vùng lõi bởi đây là nơi hội tụ các sản vật chè đặc biệt thơm ngon và nổi tiếng. Đây cũng là lý do khiến thương hiệu chè Tân Cương Thái Nguyên được bảo hộ chỉ dẫn địa lý sớm nhất trong các vùng chè trên cả nước. Và trong số các doanh nghiệp lớn tại huyện Tân Cương, thì doanh nghiệp chè Tân Cương Hoàng Bình được xem là một trong những doanh nghiệp đi đầu trong việc phát triển, đẩy mạnh thương hiệu chè đến các thị trường trong nước và quốc tế.
Hiện Thái Nguyên đã xuất khẩu được khoảng 10 triệu USD mỗi năm, sản phẩm chè của tỉnh cũng đã chinh phục được các thị trường khó tính như: Mỹ, Canada, Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Đài Loan, Nga.. Những kết quả này đã khuyến khích doanh nghiệp mở rộng sản xuất ở vùng nông thôn, tạo thêm việc làm, thu nhập ổn định cho người lao động, góp phần thúc đẩy quá trình xây dựng nông thôn mới.
Bà Đỗ Thị Đức Lý – Tổng giám đốc Công ty CP Chè Tân Cương Hoàng Bình cho biết: Phần lớn các doanh nghiệp sản xuất chè tại Thái Nguyên không có diện tích đất trồng nguyên liệu riêng, mà phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu từ phía các hộ gia đình, vì vậy để đảm bảo được thương hiệu chè của mình, đòi hỏi phải có một sự liên kết giữa các doanh nghiệp đối với những người dân địa phương, phải làm sao để đảm bảo chất lượng của nguồn nguyên liệu, từ đó mới có thể đảm bảo được đầu ra sản phẩm, giữ vững được thương hiệu chè Thái Nguyên. Ngoài những giải pháp như như cải tiến thiết bị máy móc, chuyển giao công nghệ mới trong quy trình sản xuất, hiện nay, để góp phần giữ vững thương hiệu chè Thái Nguyên, các doanh nghiệp tại địa phương đã chú trọng hơn nhiều vào việc tạo dựng các thương hiệu cho sản phẩm. Bên cạnh những lợi ích từ chỉ dẫn địa lý, mỗi doanh nghiệp đều có những chiến lược riêng trong việc xây dựng thương hiệu sản phẩm của mình
Không chỉ tập trung phát triển những thương hiệu chè đặc sản, tỉnh Thái Nguyên đã có định hướng trong thời gian tới cho các sản phẩm chè, đó là tập trung phát triển sản xuất, chế biến chè theo hướng an toàn, đẩy mạnh nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng, khả năng cạnh tranh của các sản phẩm chè trên thị trường. Để làm được điều này, đòi hỏi các cán bộ của Trung tâm khuyến công phải nâng cao việc bám sát, hỗ trợ đối với từng đơn vị doanh nghiệp tại địa phương, qua đó tạo sự phát triển đồng đều cho chất lượng sản phẩm chè.
Trước thực tế này, những năm gần đây Trung tâm đã dành nguồn kinh phí không nhỏ hỗ trợ nâng cao giá trị cho cây chè thông qua chuỗi các hoạt động như đào tạo nghề, xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất, hỗ trợ thuê tư vấn thiết kế mẫu mã bao bì sản phẩm chè, hỗ trợ các cơ sở sản xuất chè tham dự các hội chợ, triển lãm trong và ngoài nước. Cách làm mới này đã góp phần làm thay đổi nhận thức của bà con về cây chè ngay từ khi chọn giống, chăm sóc và thu hoạch, giúp doanh nghiệp nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm, đóng góp tích cực vào sự phát triển ngành công nghiệp của Tỉnh.
TBT