Tham dự buổi làm việc, có đồng chí Nguyễn Xuân Thắng - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Chủ tịch Viện Khoa học Xã hội Việt Nam, PGS.TS Trần Đình Thiên - Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam. Về phía tổ chức JICA, có ngài Motonori Tsuno, Trưởng đại diện tổ chức JICA tại Việt Nam và các thành viên. Về phía tỉnh Nghệ An có các đồng chí: Hồ Đức Phớc - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Thái Văn Hằng - Ủy viên Ban thường vụ Tỉnh ủy, Phó chủ tịch UBND tỉnh; Huỳnh Thanh Điền - Phó chủ tịch UBND tỉnh và các sở, ban, ngành liên quan.
Tại buổi làm việc, đồng chí Hồ Đức Phớc đã giới thiệu tổng quát về tiềm năng, định hướng và nhu cầu phát triển của tỉnh Nghệ An; quy hoạch các khu kinh tế, cảng biển và cửa khẩu trên địa bàn, như: Khu kinh tế Đông Nam, Khu kinh tế cửa khẩu Thanh Thủy, Cảng nước sâu Cửa Lò, Cảng nước sâu Đông Hồi… Đồng chí Hồ Đức Phớc nhấn mạnh về lợi thế nguồn nhân lực, chất lượng giáo dục và đào tạo của tỉnh nhà là nền tảng tốt để phát triển. Đồng chí Hồ Đức Phớc bày tỏ mong muốn trong thời gian tới, tổ chức JICA sẽ tiếp tục tham mưu cho Chính phủ Nhật Bản có những hỗ trợ đầu tư các dự án bằng nguồn vốn ODA vào tỉnh Nghệ An, nhất là trên các lĩnh vực kinh tế và giáo dục. Cụ thể là hỗ trợ nguồn vốn xây dựng kè chắn sóng ở Cảng nước sâu Cửa Lò, Cảng nước sâu Đông Hồi, hệ thống hạ tầng trong khu kinh tế Đông Nam, bao gồm đường giao thông, hệ thống cấp điện, thoát nước thải...
Về giáo dục, tỉnh Nghệ An mong muốn JICA xem xét giúp đỡ trong việc đào tạo và dạy nghề, lựa chọn một trong các trường cao đẳng, đại học hiện có trên địa bàn để đầu tư.
Nghệ An hiện đã có đề án xây dựng khu kinh tế cửa khẩu Thanh Thủy và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, theo đó cửa khẩu quốc gia Thanh Thủy sẽ được nâng thành cửa khẩu quốc tế Thanh Thủy. Việc hình thành khu kinh tế của khẩu Thanh Thủy rộng 21 nghìn ha sẽ tạo điều kiện cho việc giao thương quốc tế được mở rộng, phát triển kinh tế xã hội nói chung gắn với phát triển du lịch của 3 nước Việt Nam, Lào và Thái Lan. Chính vì vậy, Nghệ An hiện đang rất cần nguồn vốn để đầu tư cho hạ tầng khu kinh tế Cửa khẩu Thanh Thủy và nâng cấp cửa khẩu này.
Phát biểu tại buổi làm việc, Ngài Motonori Tsuno, Trưởng đại diện tổ chức JICA tại Việt Nam cho biết: Trên cơ sở những cam kết hợp tác, Chính phủ hai nước đã giao cho JICA và Viện Khoa học xã hội Việt Nam có những khảo sát nghiên cứu để xây dựng dự án hỗ trợ phát triển kinh tế các địa phương từ nguồn vốn ODA, đặc biệt là việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và đào tạo nguồn nhân lực. Ngài Motonori Tsuno khẳng định: Trong thời gian qua, càng nhiều số lượng các dự đầu tư ở miền Trung, đã thể hiện sự đầu tư của Chính phủ Nhật Bản góp phần hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng tại đây. Trong tháng 10/2011, sau khi Chính phủ 2 nước Việt Nam, Nhật Bản thống nhất quan điểm về đầu tư, sẽ có rất nhiều dự án được phê duyệt. JICA sẽ tiến hành xem xét, sắp xếp đầu tư theo thứ tự và ưu tiên tập trung về giáo dục và phát triển cơ sở hạ tầng. Ngài Motonori Tsuno bày tỏ: Qua nghiên cứu các dự án, trong thời gian tới JICA tiếp tục có sự trao đổi, hỗ trợ các tỉnh, thành, qua đó thúc đẩy sự hợp tác Nhật Bản - Việt Nam ngày càng bền chặt.
Cũng trong buổi làm việc sáng nay, đồng chí Thái Văn Hằng - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An đã cùng đoàn công tác của tổ chức JICA đi thăm và khảo sát tại Cửa khẩu Thanh Thủy. Đồng chí Huỳnh Thanh Điền, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng đoàn công tác của tổ chức JICA dâng hương tại Đền thờ Vua Quang Trung, khảo sát vị thế Thành phố Vinh dưới góc nhìn phát triển. Và đoàn công tác của tổ chức JICA kết thúc chương trình làm việc tại Nghệ An sau khi khảo sát quy hoạch Cảng nước sâu Cửa Lò trong buổi chiều cùng ngày.
Nguồn: Sở Công thương Nghệ An